Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao APEC 2016 tại Peru
Chiều 20/11 theo giờ địa phương (sáng 21/11 theo giờ Hà Nội), tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima, Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự Phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”. Theo đặc phái viên TTXVN, đây là những nội dung hợp tác then chốt của APEC trong năm 2016.
Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của an ninh lương thực và nguồn nước đối với tăng trưởng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua “Khuôn khổ chương trình nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”, “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển nông thôn - thành thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” trong năm 2016.
Các nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường kết nối là nhu cầu tất yếu giữa các thành viên APEC trong thế kỷ 21 trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các chuỗi giá trị toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng, kết nối số, kết nối thể chế và con người nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực.
Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu ra năm đề xuất cụ thể. Một là, các nền kinh tế APEC cần có quyết tâm chính trị và các giải pháp quyết liệt, sáng tạo để thực hiện các thoả thuận khí hậu toàn cầu. Hai là, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và nguồn nước trên các cấp độ, bao gồm quản lý nguồn nước xuyên biên giới.
Ba là, tích cực triển khai Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và phát triển nông thôn bền vững. Bốn là, đẩy mạnh nỗ lực kết nối vùng sâu, vùng xa, tăng cường đối tác công-tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, viễn thông, Internet, nhất là ở những vùng kém phát triển.
Năm là, APEC cần coi trọng và tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong triển khai các biện pháp nêu trên nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mê Công...
Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời phát biểu về năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Chủ tịch nước chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung".
Chủ tịch nước chúc mừng Peru đã đăng cai thành công Năm APEC 2016, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 và cảm ơn chính phủ và nhân dân Peru cùng Tổng thống Pedro Paplo Kuczynsky về sự chuẩn bị chu đáo và đón tiếp nồng hậu dành cho các lãnh đạo và đại biểu APEC.
Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 đã thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tối 20/11 theo giờ địa phương (sáng 21/11 theo giờ Hà Nội), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Lima, Peru, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 17 đến 20/11/2016.
Trước đó, sáng 20/11 theo giờ địa phương (đêm cùng ngày theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị Lima ở Peru, Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương bước sang ngày làm việc thứ hai. Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã tổ chức Phiên họp toàn thể thứ nhất với chủ đề “Các thách thức đối với đầu tư và thương mại tự do trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Phiên họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng thống Peru Pedro Paplo Kuczynsky nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng, hệ thống thương mại đa phương tiếp tục khó khăn.
Tổng thống Peru khẳng định, chủ đề Hội nghị: “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Nền tảng vì tăng trưởng bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương” phản ánh quyết tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng, liên kết kinh tế và thịnh vượng chung trong khu vực.
Các nhà Lãnh đạo APEC đánh giá thế giới và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng về kinh tế, chính trị và an ninh. Phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục chậm hơn dự báo. Thương mại khu vực và toàn cầu tăng trưởng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu.
Hội nghị nhất trí cần củng cố hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy tự do hoá, thương mại và đầu tư, cải cách cơ cấu, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy các chuỗi giá trị và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh các thành viên APEC cần tăng cường nỗ lực để hoàn tất các Mục tiêu Bogor đúng lộ trình vào năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng thương mại khu vực.
Việt Nam hoan nghênh Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ 2016 - 2025 trên cơ sở nguyên tắc tính đến trình độ phát triển khác nhau của các thành viên. Đồng thời, APEC cần tiếp tục góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương, nhất là sớm triển khai Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng APEC cần nắm bắt những xu thế mới, tích cực khởi xướng, điều phối thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế trên mọi tầng nấc, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và cần bảo đảm tính toàn diện, cân bằng và bổ trợ giữa các tầng nấc liên kết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các nền kinh tế thành viên cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu, Chiến lược tăng trưởng chất lượng, phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng chất lượng. Với nỗ lực xây dựng nhà nước kiến tạo, Việt Nam sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động về cải cách cơ cấu để giảm các rào cản sau biên giới, tạo môi trường kinh doanh và điều kiện thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và chất lượng nguồn nhân lực.
Chủ tịch nước nêu rõ, cần hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), nhất là tăng khả năng tiếp cận thị trường, tài chính và công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam ủng hộ các sáng kiến MSME xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh ASEAN hiện đang tích cực triển khai “Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025”. Việc triển khai những định hướng lớn trong Kế hoạch này về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư phù hợp với định hướng hợp tác của APEC, góp phần tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa hai cơ chế này.
Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, tiến hành tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Với hội nhập quốc tế sâu rộng trên mọi tầng nấc, Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, với 59 đối tác, trong đó có 18 thành viên APEC.
Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam nâng tầm đóng góp thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC và ở châu Á - Thái Bình Dương, triển khai mạnh mẽ các cam kết hợp tác hiện có và xây dựng định hướng hợp tác APEC sau năm 2020 vì một tương lai chung của khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước đã tham dự cuộc trao đổi về kinh tế toàn cầu giữa các nhà lãnh đạo APEC với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo thuận lợi cho thương mại là ưu tiên của ngành hải quan trong năm APEC 2017
19:16' - 14/11/2016
Ngày 14/11, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo xác định chủ đề và ưu tiên về hợp tác hải quan trong năm APEC 2017 tại Việt Nam.
-
Kinh tế Thế giới
Du lịch Peru tìm kiếm cơ hội từ Hội nghị thượng đỉnh APEC
21:21' - 06/11/2016
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại thủ đô Lima của Peru là một cơ hội tốt để ngành du lịch nước này thu hút đầu tư.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đã vượt 8 triệu tấn
17:25' - 24/11/2024
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21' - 24/11/2024
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26' - 24/11/2024
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44' - 24/11/2024
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55' - 24/11/2024
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06' - 24/11/2024
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50' - 24/11/2024
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.