Chú trọng bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác

15:24' - 20/09/2023
BNEWS Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá, ngư dân tỉnh Quảng Nam đang chú trọng đến việc nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau khai thác.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá, ngư dân tỉnh Quảng Nam đang chú trọng đến việc nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau khai thác. Tại các cảng cá, sau khi tàu cập bến, lần lượt các tàu được lực lượng thu mua tiến hành cân sản phẩm, phân loại sản phẩm, sơ chế và đưa sản phẩm vào kho lưu trữ theo quy chuẩn. Quy trình này vừa thu mua nhanh sản phẩm, vừa bảo quản chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đi biển.

 

Đưa tàu cá có số hiệu QNa – 91585 TS, công suất 720 CV cập cảng cá Hồng Triều, thuyền trưởng kiêm chủ tàu Phan Tấn Văn ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên cho biết, trong chuyến biển thứ 3 vừa qua, tàu của ông khai thác được 17 tấn cá nục gai và hơn 3 tấn mực. Tuy khai thác dài ngày trên biển, song khi cập cảng, sản phẩm khai thác được vẫn còn tươi nguyên, khi bán sẽ không bị ép giá. Đây là kết quả của việc lắp đạt hầm bảo quản bằng vật liệu nhựa Polyurethane (PU) được ngành khuyến ngư tỉnh triển khai trong mấy năm qua.

“Mấy năm gần đây, ngư dân Quảng Nam đã quen với việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhiên liệu thông qua các tàu dịch vụ để tăng số ngày bám biển. Tuy nhiên, số lượng tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển còn rất hạn chế. Do vậy việc đầu tư hầm bằng vật liệu PU kết hợp với các phương pháp bảo quản truyền thống trên mỗi tàu cá được xem là giải pháp tốt nhất để bảo quản chất lượng sản phẩm sau thu hoạch”, thuyền trưởng Phan Tấn Văn chia sẻ.

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá Phan Tấn Văn cho biết, để trang bị hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU cho tàu cá có công suất từ 700 CV trở lên thì chi phí đầu tư lên đến 250 triệu đồng. Đây là khoản đầu tư không nhỏ. Vì vậy để nhân rộng mô hình này, ngư dân cần được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi và thời gian sử dụng vốn trên ba năm, được như vậy ngư dân mới đầu tư làm ăn có hiệu quả và trả được vốn vay.

Tại cảng cá Tam Quang, huyện Núi Thành, được xem như thủ phủ nghề cá của tỉnh Quảng Nam, chủ của 2 chiếc tàu cá mang số hiệu QNa-91718 TS và QNa-90318 TS, mỗi chiếc có công suất trên 800 CV, anh Nguyễn Công Ba cho biết, một trong hai chiếc tàu của anh đã được trang bị hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU. Sau hai chuyến biển trong năm 2023, hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu PU đã cho thấy ưu điểm vượt trội trong khâu bảo quản.

“Bây giờ mỗi chuyến ra khơi, cặp tàu của tôi kết hợp cả phương pháp bảo truyền thống lẫn hiện đại. Khi gặp vùng ngư trường giàu nguồn lợi, sản phẩm khai thác được tập trung vào tàu có hầm PU để chuyển về đất liền tiêu thụ, sau đó bổ sung nhiên liệu, thực phẩm để trở lại biển, chiếc còn lại vẫn tiếp tục bám ngư trường. Với cách làm này, thời gian bám biển dài hơn, chi phí cho sản xuất được tiết kiệm hơn”, thuyền trưởng Nguyễn Công Ba cho biết thêm.

Với kinh nghiệm của mình, anh Ba cho biết, sử dụng hầm bảo quản truyền thống, khi ra biển bà con phải dùng đá lạnh và muối để ướp. Cách bảo quản truyền thống này không những gây hao hụt mà còn làm giảm sút chất lượng sản phẩm. Với hầm bảo quản mới bằng vật liệu PU, cho phép tàu cá kéo dài thời gian bám biển lên gần một tháng, sản phẩm hao hụt thực tế dưới 5%, điều quan trọng hơn là chất lượng sản phẩm không hề bị giảm sút, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng thu mua sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, huyện Núi Thành Nguyễn Lợi cho biết, là địa phương có đội tàu xa bờ mạnh nhất tỉnh Quảng Nam, trong mấy năm qua, cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá, cải hoán nâng cao công suất đội tàu xa bờ, ngư dân xã Tam Quang chú trọng đến việc nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm sau khai thác. Tại cảng cá Tam Quang, sau khi tàu cập bến, lần lượt các tàu được lực lượng thu mua tiến hành cân sản phẩm, phân loại sản phẩm, sơ chế và đưa sản phẩm vào kho lưu trữ theo quy chuẩn. Quy trình này vừa thu mua nhanh sản phẩm, vừa bảo quản chất lượng sản phẩm thủy sản sau khai thác, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đi biển. Tuy vậy số tàu cá có hầm bảo quản bằng vật liệu PU của ngư dân địa phương chưa nhiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, để hướng đến môi trường phát triển bền vững, ngoài việc hỗ trợ ngư dân lắp đặt máy nhận dạng tự động (AIS) nhằm góp phần đảm bảo thông tin liên lạc, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra trên biển đối với người và phương tiện, hiện tại 100% tàu cá xã bờ của ngư dân Núi Thành sử dụng máy thông tin liên lạc sóng ngắn HF, máy thông tin liên lạc tầm trung, tầm xa và áp dụng máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh để tối ưu hóa cho nghề cá. Tất cả các phương tiện này đều kết nối với đất liền và Đồn biên phòng để vừa kịp thời xử lý tình huống xảy ra trên biển, vừa theo dõi quản lý chặt chẽ hành trình làm ăn của ngư dân trên biển, góp phần nâng cao tự tin cho ngư dân trong mỗi chuyến biển.

Mặt khác, để nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác, các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đoàn kết trên biển của ngư dân huyện Núi Thành đã và đang thực hiện quy trình khép kín từ khâu khai thác đến bảo quản, phân loại, sơ chế và cung ứng ra thị trường. Mô hình này được triển khai thực hiện tại các xã Tam Quang, Tam Hải bước đầu đã phát huy hiệu quả, được bà con ngư dân tích cực đón nhận, làm cơ sở để nhân rộng mô hình này. Huyện Núi Thành sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư nâng cấp phương tiện, ngư lưới cụ nói chung và hầm PU nói riêng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, trong chiến lược điều chỉnh lại quy hoạch phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Nam luôn đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác với phát triển bền vững nghề cá lên hàng đầu, xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, mỗi năm Quảng Nam đặt mục tiêu khai thác đạt 95 nghìn tấn hải sản các loại.

Vì vậy cùng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá, nâng cao khả năng bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển, tỉnh Quảng Nam luôn vận động bà con ngư dân, nhất là các nghiệp đoàn nghề cá, các tổ đội đoàn kết đánh bắt hải sản xa bờ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư, lực lượng biên phòng thực hiện đầy đủ các quy định trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp để góp phần sớm gỡ bỏ thẻ vàng do Ủy ban châu Âu đưa ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục