Chưa "nóng" các bến xe dịp giáp Tết

14:50' - 09/02/2018
BNEWS Tết ông Công ông Táo là một trong ba ngày cao điểm dịp Tết được dự báo lượng hành khách đi lại tại các bến xe ở Hà Nội sẽ rất đông nhưng ghi nhận tại bến xe Giáp Bát và Mỹ Đình hoàn toàn ngược lại.

Lượng khách đến bến giảm hẳn so với những năm trước và không tăng mấy so với những ngày thường.

Chất lượng phục vụ khách tại các bến và nhà xe được nâng lên rất nhiều nhưng liệu cảnh người, xe chen chúc, bến xe “căng mình” phục vụ khách vào dịp Tết đã lùi vào dĩ vãng?!.

Bến xe Giáp Bát sẽ có 1.120 chuyến xe phục vụ nhu cầu nhân dân trong diệp Tết 2018. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Vắng khách, sản lượng hành khách qua bến không tăng mấy so với ngày thường, chỉ tăng từ 2-5% đối với bến Giáp Bát và 20% đối với bến Mỹ Đình là thực tế ghi nhận được vào chiều tối Tết ông Công ông Táo 2018 (ngày 8/2).

Buồn rầu ngồi chờ khách tại bến xe Giáp Bát, anh Hoàng Ngọc Ánh, phụ xe chạy tuyến Hà Nội – huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) than thở, mặc dù ngày cao điểm nhưng buổi sáng xe lên từ huyện Yên Khánh chỉ được 3 khách, chiều Hà Nội về được 4 khách. Cả tuần nay không dám chạy xe vì cứ chạy là lỗ. Chỉ ba ngày chạy xe rỗng đã lỗ mất 1,8 triệu đồng. Hai năm trước chỉ chạy xe đến ngày 27 Tết đã phải nghỉ vì vắng khách, tình hình này chắc năm nay cũng không khá hơn được.

Xe Đất Cảng chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng là tuyến nòng cốt của bến Giáp Bát, chạy độc tuyến không cạnh tranh với bất cứ một hãng xe nào nhưng lượng khách cũng không khá hơn là bao.

Anh Đặng Quang Huy, nhân viên điều hành của nhà xe Đất Cảng cho biết, cung đường Hà Nội - Hải Phòng ngắn nên người dân đi xe máy về nhiều.

Xe 47 chỗ nhưng khi xuất phát cũng chỉ được được 20 – 30 khách/1 chuyến. “Tuyến này không đông khách thì cũng khó có tuyến nào đông hơn được”, anh Huy nói.

Tại bến xe Mỹ Đình, anh Nguyễn Tuấn Anh, lái xe nhà xe Hải Phượng chạy tuyến Mỹ Đình - Yên Bái cho biết, trước đây bến Mỹ Đình có nhiều tuyến, khách đi liên tuyến rất đông nhưng giờ giảm xe, giảm tuyến, lượng khách cũng giảm nhiều.

Nếu chạy như mấy ngày hôm nay thì nhà xe lỗ. Có lẽ người dân chờ giáp Tết về luôn thể nên mới vắng khách như vậy.

Bến xe Mỹ Đình sẽ có 1.200 chuyến xe phục vụ nhân dân trong diệp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ngay cả nhà xe KumHo Việt Thanh vốn đông khách nhưng trước giờ xuất bến 5 phút, xe 47 chỗ cũng mới có 23 khách. Do trong bến vắng khách, nên trước cổng bến xe Mỹ Đình xảy ra tình trạng hàng chục xe ra khỏi bến nhưng lại dừng ở dọc đường để chờ đón thêm khách.

Giải thích lý do bến vắng, nhà xe đỏ mắt chờ khách, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, sau khi điều chuyển các tuyến xe liên tỉnh khỏi bến xe Mỹ Đình thì lượng khách qua lại bến rất vắng, ngay cả ngày Tết ông Công ông Táo cũng chỉ tăng hơn 20% so với ngày thường.

Nguyên nhân là do hành khách không còn trung chuyển được từ tuyến này sang tuyến khác, muốn chuyển tuyến lại phải đi xe buýt hoặc bắt xe ôm tăng thêm kinh phí mà bất tiện nên họ bỏ bến. Một nguyên nhân nữa khiến các nhà xe hoạt động trong bến lao đao là do phải cạnh tranh với xe hợp đồng.

Trong khi xe trong bến chịu sự quản lý chặt chẽ, phải cạnh tranh với xe dù ngoài bến thì xe hợp đồng có thể luồn lách vào trong phố, đến tận nhà đón khách. Xe hợp đồng hoạt động không đúng nghĩa, không hợp đồng theo đoàn mà hợp đồng với từng khách theo hình thức xuất vé thỏa thuận, chứ không phải hợp đồng.

Việc này dẫn đến nhiều hệ quả, đã có nhiều nhà xe không trụ nổi trong bến đã bỏ ra ngoài chạy xe hợp đồng. Xe hợp đồng phát triển tràn lan đẩy xe trong bến vào tình trạng hoạt động khó khăn, nếu không quản lý tốt sẽ phát sinh nhiều xe dù, bến cóc.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, bến Giáp Bát đã lên kế hoạch tăng cường 100 phương tiện trong dịp Tết Nguyên đán nhưng tình hình như thế này chưa chắc đã phải huy động thêm xe dự phòng.

Lượng khách đi các tuyến cố định trong bến giảm rất nhiều, một phần do khách chuyển sang đi xe hợp đồng. Loại hình này đang phát triển mạnh, hầu như tỉnh nào cũng có, lan tỏa về các huyện, các xã.

Với giá vé đắt hơn không nhiều so với giá vé xe trong bến nhưng lại đưa đón khách tại nhà, xe hợp đồng ngày càng chiếm ưu thế hơn so với xe hoạt động trong bến và được nhiều người lựa chọn.

Theo ông Nguyễn Tất Thành, với tình trạng trên, một số doanh nghiệp vận tải hoạt động trong bến đã có sự điều tiết, giảm bớt phương tiện hoạt động tại bến.

Trái ngược với nỗi buồn của các nhà xe, hành khách lại phấn khởi vì thoát cảnh nhồi nhét, chất lượng phục vụ cũng tốt hơn so với trước đây. Tại bến xe Giáp Bát, anh Nguyễn Văn Quyết (Hải An, Hải Phòng) cho biết, Tết năm nào anh cũng lên Hà Nội thăm bạn bè. Năm nay, bến xe thưa người hơn, anh không phải vất vả bắt xe nữa.

Vé xe từ Giáp Bát về Hải Phòng có giá 90.000 đồng/người, cao hơn 10.000 đồng so với trước đây nhưng chất lượng dịch vụ tốt hơn, xe chạy êm và không bắt khách dọc đường. Đặc biệt, xe chạy đường cao tốc mới nên thời gian được rút gọn đáng kể nên anh Quyết rất hài lòng.

Bến xe Mỹ Đình sẽ có 1.200 chuyến xe phục vụ nhân dân trong diệp Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ngồi tại sảnh chờ của bến xe Mỹ Đình vào chiều 23 tháng Chạp, em Nguyễn Thị Thanh Hương, quê ở Mộc Châu, Sơn La chia sẻ, em là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm nay, em được nghỉ Tết khá sớm nên về quê từ sớm.

Vẫn như mọi năm, em đến bến xe Mỹ Đình để mua vé xe về quê. Trước khi ra bến xe, em đã khá lo lắng sợ bến xe quá đông người nên thu xếp đến bến xe sớm hơn khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, trái với những gì Hương dự tính, bến xe Mỹ Đình khá vắng vẻ, Hương mua được vé xe từ sớm, đúng xe giường nằm như em mong muốn.

Còn anh Hà Văn Chuyên (quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ) là công nhân tự do, được trở về quê ăn Tết từ Tết ông Công ông Táo.

Bắt xe từ bến xe Mỹ Đình về quê, anh Chuyên cho biết, giá vé xe dịp Tết này tăng lên 10.000 đồng, lượng khách có đông hơn so với ngày thường anh hay đi nhưng không đáng kể, anh không phải chờ đợi hay xếp hàng lâu để mua vé.

“Hành khách là thượng đế” dường như đang trở lại trong lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh trong ngày Tết ông Công ông Táo. Chất lượng phục vụ tại cả bến xe và nhà xe đều được nâng lên, không có cảnh chèo kéo, hàng rong, an ninh trật tự trong và ngoài bến được tăng cường.

Tuy nhiên, cùng với sự tự điều tiết, đổi mới của các doanh nghiệp vận tải hoạt động trong các bến xe để thu hút hành khách, các cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp cân đối cung – cầu trong lĩnh vực vận tải khách liên tỉnh, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa phương tiện hoạt động trong bến với xe hợp đồng, để nhà xe trong bến yên tâm hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục