Chưa tiếp tục giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

16:13' - 04/04/2023
BNEWS Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái liên quan đến vấn đề ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị trong bối cảnh hiện nay chưa đặt vấn đề tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Lý giải việc này, Bộ Tài chính nêu rõ, theo Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 07/3/2023 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng phục hồi, ổn định và phát triển. Đồng thời hiện nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ  đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.

Mặt khác, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, trước mắt Bộ Tài chính tập trung nghiên cứu triển khai một số giải pháp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất năm 2023; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2023… Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô cũng đều được hưởng chính sách này.

 
Trước đó, để góp phần hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phục hồi sản xuất kinh doanh trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 để giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020).

Đến tháng 5/2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều ngành sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, nguy cơ dứt gãy chuỗi cung ứng cản trở mạnh quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong đó ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chịu thiệt hại nghiêm trọng, số lượng xe tiêu thụ giảm mạnh. Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022).

Từ ngày 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện theo Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng mức thu lệ phí trước bạ  đối với ô tô cùng loại.

Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành; có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, phân phối ô tô nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung; góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phi khi đăng ký sở hữu xe ô tô; kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh; hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang khu vực ASEAN... Chính sách giảm thuế này góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, có tác dụng lan tỏa sang các ngành kinh tế khác và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Đã có ý kiến cho rằng, chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đã tham gia WTO và ký kết nhiều FTA song phương và đa phương; trong đó, đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư.

Hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ  đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc giảm mức thu lệ phí trước bạ  đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như một khoản trợ cấp của Chính phủ và Việt Nam có thể nhận được các yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.

Vì vậy, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước từ lệ phí trước bạ, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là trong điều kiện đây là khoản thu mà ngân sách địa phương được hưởng 100% số thu theo Luật Ngân sách nhà nước.

Khi xây dựng Nghị định số 70/2020/NĐ-CP và Nghị định số 103/2021/NĐ-CP, tại các báo cáo thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉ ra, việc quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ là tạm thời, nhưng có thể coi là phân biệt đối xử về thuế giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính rà soát các cam kết quốc tế, từ đó bảo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đó, khi trình Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nếu áp dụng chính sách này thì chỉ coi đây là giải pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Cũng tại văn bản này, đối với đề nghị tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất thời gian áp dụng không nên kéo dài. Trường hợp áp dụng, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng như tại Nghị định số 32/2022/NĐ-CP. Cụ thể, gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9/2022 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chậm nhất là ngày 20/11/2023. Với phương án này, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được gia hạn từ 10.400 - 11.200 tỷ đồng. Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2023 theo trình tự, thủ tục rút gọn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục