Chuẩn bị điều kiện để phục hồi sản xuất ngay sau khi hết dịch COVID-19

16:20' - 10/04/2020
BNEWS Bộ Công Thương đã có những đánh giá và đề ra giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay.

Ngày 10/4, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã có những đánh giá và đề ra giải pháp giúp các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay. 

Theo báo cáo số 2282/BCT-CN gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, cần phải quyết liệt triển khai 3 giải pháp cơ bản. Cụ thể là, đẩy mạnh thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước; có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm; trong đó, chủ yếu là thị trường xuất khẩu cho các ngành xuất khẩu chủ lực để giải quyết một phần năng lực sản xuất dư thừa trong nước nhằm duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn, hỗ trợ thông quan cho các doanh nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% trên tổng số doanh nghiệp. Trong nhóm này lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến khoảng xấp xỉ 93 - 94%. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng này.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, các giải pháp về tiếp cận vốn, tín dụng; giảm chi phí cho doanh nghiệp (các loại phí, lệ phí, thuế)… tại Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/3/2020 đã xác định trúng các trọng tâm lớn này để giao các bộ ngành triển khai.
Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy nhanh việc tính toán mức độ, đối tượng và ban hành các văn bản hướng dẫn để sớm ra quyết định thực thi các chính sách này hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; tập trung khai thác tối đa thị trường Trung Quốc (đang trong giai đoạn có nhu cầu cao hấp thụ hàng hóa để phục vụ người dân trong nước sau giai đoạn cao điểm của dịch bệnh).
Để triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương, thời gian qua Bộ Công Thương đã tạo nhóm liên kết (nhóm trên ứng dụng viber và zalo) các Tham tán thương mại, các Vụ thị trường nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương và các doanh nghiệp trên cả nước nhằm kết nối, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu cả nước nhanh và hiệu quả nhất.

Về thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Bộ cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế; phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Cùng đó, đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. 
Ngoài ra, Bộ cũng tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai. 

Cũng trong báo cáo trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản để phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện là trung tâm cung ứng các sản phẩm trung gian cho khu vực châu Á, với hơn 40% lượng hàng hoá trung gian cho các chuỗi sản xuất tại khu vực này. Những ngành hàng phụ thuộc lớn nhất vào nguồn nguyên liệu sản xuất từ các quốc gia trên cũng là những ngành công nghiệp chủ lực hiện nay của Việt Nam, gồm điện tử; dệt may; da – giày - túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô... 


Việc đa dạng hóa nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác trong ngắn hạn để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên phụ liệu cao cấp hoặc các sản phẩm linh kiện, phụ tùng rất khó có thể tìm nguồn thay thế trong ngắn hạn. Bởi, đặc thù phân bổ chuỗi sản xuất toàn cầu cũng như các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng riêng biệt của các công ty đa quốc gia.
Thời gian để tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào của các ngành có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao như điện tử hay ô tô thường mất từ 3 tháng đến 1 năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm đầu vào nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm từ Trung Quốc và mẫu mã, chất lượng thường không đa dạng bằng.
Mặc dù hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch, do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi một phần.

Song, trong thời gian tới, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào từ Trung Quốc dự kiến vẫn chưa thể thuận lợi như trước đây do cả 2 quốc gia đều vẫn đang tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới – trong khi việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không sẽ làm tăng chi phí và khó bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất như việc vận chuyển qua đường bộ, Bộ Công Thương cho hay. 


Theo Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ trong nước cũng như toàn cầu trong bối cảnh dịch ngày càng lan rộng (đặc biệt là các thị trường Hoa Kỳ và châu Âu) dẫn đến tác động tiêu cực đến các đơn hàng mới của một số ngành xuất khẩu chủ lực trong giai đoạn từ quý II đến hết năm 2020.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay. Đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD (cùng kỳ tăng 7,7%).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017; 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018.
Hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu tác động của dịch COVID-19 đều có chỉ số sản xuất (IIP) 3 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục