Chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia 2017: Nên học thế nào và chọn ngành ra sao

13:37' - 26/03/2017
BNEWS Theo các trường, dù thi ở hình thức nào thì việc dạy cho học sinh nắm chắc các kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học mới là vấn đề quan trọng nhất.
Nắm chắc các kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học là vấn đề quan trọng. Ảnh minh họa: Thanh Tùng-TTXVN

Đáp ứng những thay đổi của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm nay, thầy và trò các trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực đổi mới phương thức giảng dạy và học tập cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn hướng nghiệp được tăng cường để học sinh lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp với bản thân và nhu cầu xã hội.

Đổi mới cách dạy và học

Giáo dục công dân là môn học mới được đưa vào Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay. Các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy và học để tạo hứng thú cho học sinh với môn học này.

Từ học thiên về lý thuyết sang học trải nghiệm là cách làm của nhiều trường nhằm giúp học sinh nắm bắt bài học nhanh chóng và có thể vận dụng thực tiễn cuộc sống.

Mới đây, hàng ngàn học sinh trường Trung học phổ thông Trưng Vương (quận 1) đã tham gia chương trình học tập trải nghiệm thực tế "Học sinh với pháp luật". Nội dung chương trình được xây dựng trên cơ sở nội dung bài học môn giáo dục công dân lớp 12 “Công dân với pháp luật” và những kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông.

Chương trình được thiết kế gồm nhiều hoạt động trải nghiệm như phiên tòa giả định; tái hiện mô hình đường phố, sa hình và những tình huống tham gia giao thông; các tiểu phẩm tình huống pháp lý cũng như trang bị kiến thức pháp luật cho học sinh...

Chăm chú theo dõi diễn biến phiên tòa giả định xét xử vụ án Trộm cắp tài sản, em Đan Hạ, lớp 12A10 cho biết, chương trình giúp em hiểu hơn về cấu trúc, trình tự của phiên tòa, các trường hợp vi phạm pháp luật, những tình huống xảy ra trong cuộc sống có thể vô tình trở thành hành vi vi phạm pháp luật, từ đó rút ra bài học cho bản thân.

Cô Lê Tường Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trưng Vương (quận 1) chia sẻ, đây là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nhà trường muốn các em cảm nhận bộ môn này gắn với thực tiễn, qua đó tạo cho các em hứng thú hơn với môn học, cảm thấy bộ môn rất gần gũi trong cuộc sống.

Các hoạt động bổ ích của chương trình nhằm truyền tải đến học sinh những giá trị nhân văn, giáo dục học sinh về đạo đức, nhân cách và cách ứng xử văn minh, đúng đắn trước những tình huống xã hội; giúp học sinh có thêm nhiều kiến thức nền tảng để ứng dụng vào cuộc sống.

Không chỉ môn giáo dục công dân, mà hầu hết các môn đều được các trường trung học phổ thông thay đổi cách dạy và học, lên kế hoạch học tập ngay từ khi dự thảo quy chế thi trung học phổ thông quốc gia 2017 được ban hành.

Cụ thể, ngay từ đầu năm học, các trường đã cho học sinh lựa chọn ban thi, phân lớp theo ban và trình độ ở buổi học thứ 2.

Nhà trường cũng kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả chương trình học để có điều chỉnh kịp thời.

Trong quá trình dạy, học và kiểm tra, cũng lồng ghép hình thức thi trắc nghiệm để các em học sinh làm quen.

Bên cạnh việc dạy kiến thức, các thầy cô giáo tích cực rèn luyện cho các em kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) cho biết, kế hoạch học tập của học sinh toàn trường cũng như học sinh khối lớp 12 đã được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm học.

Theo đó, với khối lớp 12, nhà trường tăng tiết ôn tập đề thi trắc nghiệm, nhất là những môn mới thi theo hình thức trắc nghiệm như Toán, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý.

Đặc biệt, vừa qua nhà trường phối hợp với trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tập huấn cho giáo viên cách biên soạn và giảng dạy môn Toán phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm.

Môn Giáo dục công dân cũng được nhà trường tăng cường ôn tập, thay đổi cách dạy để học sinh nắm chắc kiến thức bài học và vận dụng thực tiễn.

Theo các trường, dù thi ở hình thức nào thì việc dạy cho học sinh nắm chắc các kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học mới là vấn đề quan trọng nhất.

Riêng với hình thức thi trắc nghiệm, giáo viên cần rèn luyện thêm các kỹ năng làm bài cho học sinh như tính toán, nắm bắt, xử lý vấn đề nhanh nhạy…

Chọn đúng ngành nghề

Thời gian qua, hoạt động hướng nghiệp đã được các trường phổ thông thực hiện thường xuyên với học sinh các cấp.

Riêng đối với học sinh khối 12, trường tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, mời các chuyên gia giáo dục, đại diện các trường đại học, sinh viên đến để học sinh có dịp trực tiếp trao đổi định hướng nghề nghiệp.

Đặc biệt, những chia sẻ của sinh viên đại học với học sinh giúp các em có góc nhìn đầy đủ về ngành học mà mình sẽ lựa chọn.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trưng Vương cho biết, dựa vào học lực và thế mạnh của mỗi học sinh, nhà trường sẽ tư vấn, định hướng chọn trường, ngành nghề phù hợp. Do vậy, đến thời điểm này, hầu hết học sinh lớp 12 đã định hướng được ngành nghề đăng ký theo học.

Chỉ còn hơn một tuần nữa các em bắt đầu đăng ký thi và xét tuyển đại học.

Hoạt động hướng nghiệp đã được các trường phổ thông thực hiện thường xuyên với học sinh các cấp. Ảnh minh họa: Phương Vy-TTXVN.

Chia sẻ về định hướng của mình, em Phương Anh, học sinh lớp 12A9, Trường trung học phổ thông Trưng Vương cho biết, em lựa chọn thi tổ hợp môn xã hội và đăng ký vào ngành Nhật Bản học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện được mong muốn này, bản thân em luôn nỗ lực học tốt các môn học.

Bên cạnh việc nắm vững các kiến thức của môn học, em cũng chủ động rèn luyện thêm cho mình kỹ năng thực hiện bài thi trắc nghiệm.

Ở góc độ nghiên cứu thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà người học yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với bản thân.

Tuy nhiên, hướng nghiệp cũng cần phải giúp học sinh nhận thức được bên cạnh chọn ngành nghề phù hợp nhất với khả năng của mình, cũng thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, phù hợp với định hướng phát triển chung.

Theo các chuyên gia về công tác tư vấn hướng nghiệp, để chọn ngành học phù hợp, học sinh cần định hình được sở thích, năng lực của bản thân và xem xét tới nhu cầu xã hội đối với ngành mà mình mong muốn theo học.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là lựa chọn ngành nghề và theo đuổi bằng đam mê của mình, từ đó mới có cơ hội thành công với nghề nghiệp trong tương lai.

>>> Hướng dẫn ôn thi THPT Quốc gia 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục