Chứng khoán 10/1: Thị giá trên HOSE không nhảy số, VN-Index giảm gần 25 điểm

16:08' - 10/01/2022
BNEWS Thị trường chứng khoán bất ngờ giảm sâu cuối phiên giao dịch khiến VN-Index về lại gần mốc 1.500 điểm. Thanh khoản tăng mạnh khiến có thời điểm giá cổ phiếu trên HOSE bị "đơ", không nhảy số.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/1, VN-Index giảm 24,77 điểm xuống 1503,71 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,38 tỷ cổ phiếu, tương ứng trên 41.813,3 tỷ đồng. Toàn sàn chỉ có 141 mã tăng giá, trong khi có tới 308 mã giảm giá, 44 mã đứng giá.
HNX- Index giảm 10,95 điểm xuống 482,98 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 190,1 triệu đơn vị, tương ứng gần 5.369,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 105 mã tăng giá, 155 mã giảm giá và 25 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,3 điểm xuống 114,3 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 142 triệu đơn vị, tương ứng 2,935,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 191 mã tăng giá, 176 mã giảm giá và 43 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu trong phiên hôm nay. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 24 mã giảm, trong khi chỉ có 4 mã tăng và 2 mã đứng giá. Các mã giảm mạnh như: POW giảm kịch sàn, GAS giảm 5,1%, KDH giảm 4,4%, SSI giảm 4%, NVL giảm 2,9%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn 3 mã tăng giá là CTG, PGB, SGB và VAB đứng ở tham chiếu. Tất cả các mã ngân hàng còn lại đều giảm giá.

Tương tự, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến rất tiêu cực khi chỉ còn 2 mã là CSI và OGC ở chiều tăng giá. Tất cả các mã chứng khoán còn lại đều giảm sâu; trong đó, CTS giảm tới 7% xuống giá sàn.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng vậy, chỉ còn PVT và PEQ tăng giá, PVB đứng ở tham chiếu. Các mã còn lại như: BSR, OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS có mức giảm rất sâu, từ 2,3 - 6,8%.
Trong khi hầu hết các nhóm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ thì nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tăng mạnh, nhiều mã tăng trần như: BIG tăng tới 39,4% lên giá trần 15.200 đồng/cổ phiếu. Hôm nay cũng là phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu này trên sàn UPCOM. Các mã khác như: PLA, QCG, SRC, SZB, SZG, TEG, VPH cũng tăng kịch trần. Các mã lớn trong nhóm cổ phiếu bất động sản là VIC và VRE vẫn giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên. Các mã bất động sản còn lại hầu hết ở chiều tăng giá. Dù vậy, có 3 mã là CEO, BCM và CKG giảm kịch sàn.
Hôm nay cũng là ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu ODE. Như thường lệ, phiên giao dịch đầu tiên cổ phiếu mới lên sàn thường tăng kịch trần, phiên hôm nay ODE đã tăng tới 40% lên mức giá trần 14.400 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, ODE chỉ khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu.
Khối ngoại hôm nay bán ròng rất mạnh, phần nào gây áp lực giảm điểm lên thị trường. Theo đó, khối ngoại bán ròng hơn 465 tỷ đồng trên HOSE, trong khi chỉ mua ròng 27,59 tỷ đồng trên HNX và 25,57 tỷ đồng trên UPCOM.
Hôm nay, nhiều nhà đầu tư cho biết, thời điểm 14 giờ 10 phút ngày 10/1 xuất hiện hiện tượng đơ bảng điện, các cổ phiếu sàn HOSE thị giá đứng im không nhảy số trong khi các cổ phiếu sàn HNX và UPCOM giao dịch bình thường.
Dù bảng hiển thị giá của từng cổ phiếu bị đơ, nhưng chỉ số VN30 và VN-Index vẫn nhảy số. Việc này khiến nhà đầu tư mua bán nhưng không biết thị giá hiện tại của cổ phiếu.
Trước đó, tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ lo ngại khi cho rằng, nghẽn lệnh giao dịch tại sàn Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) dù đã được xử lý, phục vụ kịp thời nhu cầu đầu tư tăng cao vào thị trường chứng khoán trong năm 2021. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng tiếp tục cải tiến hệ thống thì trong tương lai gần có thể sẽ tiếp tục xảy ra nghẽn lệnh.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam chỉ đạo HOSE, cùng với Công ty cổ phần FPT luôn chủ động để không xảy ra nghẽn lệnh giao dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục