Chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều nhau phiên 10/11

08:04' - 11/11/2021
BNEWS Factset cho biết ba chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục rút lui khỏi chuỗi ngày đóng cửa cao kỷ lục dài nhất kể từ năm 1997, song các yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường vẫn mạnh.
Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều ngày trong phiên ngày 10/11, trong đó chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc do nỗi lo sợ lạm phát của nhà đầu tư quay trở lại, song chứng khoán châu Âu phần lớn tăng và đồng bitcoin ghi nhận mức cao kỷ lục mới.

Ba chỉ số chính của Phố Wall đều trong vùng âm, trong đó chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm nhiều nhất 1,7% xuống 15.622,71 điểm, theo sau là chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 4.646,71 điểm sau số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất của 30 năm trong tháng 10/2021. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7% xuống 36.079,94 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt đều đóng cửa ở mức cao lần lượt là 0,9% lên 7.340,15 điểm và 0,2% lên 16.067,83 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris đi ngang ở mức 7.045,16 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,1% lên 4.348,82 điểm.

Đồng bitcoin đã có lúc chạm mức 68.744 USD trước khi hạ xuống 64.832 USD.

Theo công ty dữ liệu thị trường Factset, ba chỉ số chính của Phố Wall tiếp tục rút lui khỏi chuỗi ngày đóng cửa cao kỷ lục dài nhất kể từ năm 1997.

Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán vẫn mạnh, như tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của các công ty ổn định.

Nhà phân tích thị trường Neil Wilson tại Markets.com cho hay câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu các thị trường có cho rằng lạm phát sẽ trở nên tồi tệ hơn và trở thành một "cơn gió ngược" đối với việc định giá và thu nhập hay không.

Chỉ số CPI của Mỹ tăng mạnh làm tăng thêm lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung, cùng với tình trạng thiếu hụt lao động sẽ dẫn đến lạm phát dai dẳng, bất chấp sự đảm bảo từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng sức ép sẽ giảm dần.

Một số nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương sẽ phải mạnh tay hơn để kiềm chế giá cả, rút lại chương trình mua trái phiếu nhanh hơn và có khả năng tăng lãi suất chủ chốt nhiều lần trong năm tới.

Ngày 10/11, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy giá sản xuất đã tăng 13,5% trong tháng 10/2021 và lên mức cao nhất trong hơn hai thập niên do chi phí năng lượng tăng cao và do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 ở nhiều nơi tại Trung Quốc.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số VN - Index tăng 3,52 điểm (0,24%) lên 1.465,02 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX - Index tăng 5,6 điểm (1,29%) lên 438,24 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục