Chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên 16/6

17:18' - 16/06/2021
BNEWS Các nhà giao dịch tỏ ra khá thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed

Các thị trường chứng khoán ở châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên chiều 16/6 tại châu Á theo sau đà giảm trên Phố Wall sau khi các nhà đầu tư đón nhận thêm dấu hiệu kém lạc quan khác về tình hình lạm phát ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách mới nhất của mình.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,5% xuống 29.291,01 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,7% xuống 28.436,84 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1,1% xuống 3.518,33 điểm.

Chứng khoán Singapore, Wellington, Manila, Mumbai đều giảm, trong khi chứng khoán Sydney, Seoul, Bangkok và Jakarta tăng.

Các nhà giao dịch tỏ ra khá thận trọng trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed, trong đó dự kiến thảo luận về các kế hoạch đối với các biện pháp siêu nới lỏng khi nền kinh tế phục hồi sau sự sụt giảm do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm ngoái.

Các biện pháp hỗ trợ của Fed, các kế hoạch chi tiêu “khủng” của Chính phủ Mỹ, cùng với chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các biện pháp hạn chế được nới lỏng là chìa khóa để thúc đẩy đà phục hồi và thị trường chứng khoán tăng trong hơn một năm qua.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng những hỗ trợ đó, bao gồm chương trình mua trái phiếu lớn của Fed và lãi suất thấp kỷ lục, sẽ trở thành con dao hai lưỡi khi giá cả tăng cao và nền kinh tế trở nên quá nóng, dẫn đến chi phí đi vay tăng mạnh.

Mặc dù các quan chức Fed nhiều lần thuyết phục thị trường rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời và chính sách tiền tệ sẽ được duy trì đến một thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn hoài nghi, đặc biệt là sau số liệu mới nhất của Mỹ cho thấy chỉ số giá sản xuất trong tháng 5/2021 chạm mức 6,6%, cao hơn dự báo và là mức cao nhất kể từ năm 2010, làm dấy lên lo ngại mức tăng này sẽ có tác động dây truyền đến các cửa hàng. Doanh số bán lẻ giảm nhiều hơn ước tính, cho thấy sự phục hồi khó khăn.

Số liệu về giá sản xuất được đưa ra vài ngày sau số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đứng ở mức cao của 13 tháng.

Theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Vương quốc Anh (ONS), chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức 1,5% trong tháng 4. Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019, chỉ số này vượt qua mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0,79% xuống 1.356,52 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,46% xuống 313,65 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục