Chứng khoán cuối năm: Nắm bắt cơ hội

11:07' - 08/11/2023
BNEWS Thị trường chứng khoán đã đi gần hết chặng đường của năm 2023 với những biến động trái chiều. Nhìn vào toàn cảnh thị trường vẫn nhận thấy sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, những xung đột chính trị căng thẳng và lạm phát tăng cao khiến nhiều nền kinh tế phải thắt chặt tiền tệ, đồng USD tăng giá gây áp lực lên điều hành tỷ giá của hầu hết quốc gia; trong đó có Việt Nam.

Vậy thị trường sẽ đối mặt với những cơ hội và thách thức như thế nào trong thời gian tới? Xoay quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thùy Linh, Vụ phó Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

BNEWS: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi gần hết chặng đường của năm 2023, vậy bà có thể đưa ra những đánh giá khái quát về diễn biến của thị trường hiện nay?

Bà Phạm Thị Thùy Linh: Trong năm 2023, các nền kinh tế lớn có nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán cũng như kinh tế Việt Nam. Cụ thể, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ đã đẩy đồng USD tăng giá, gây áp lực lên việc điều hành chính sách tỷ giá của các nước khiến sự bất ổn tài chính và nợ gia tăng.

Một số ngân hàng đã sụp đổ trong năm vừa qua, các chính sách thắt chặt của một số nền kinh tế lớn được đưa ra nhằm điều hành tỷ lệ lạm phát đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đối mặt với một số khó khăn trước tình hình thắt chặt tiền tệ cũng như sự suy giảm của tổng cầu thế giới. Thêm nữa, tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới cũng giảm. Những yếu tố này đã làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu ra của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, trong 10 tháng của năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm lãi suất huy động; gia hạn, giãn, giảm thuế, cơ cấu lại các khoản nợ; các chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy đầu tư công. Qua đó, doanh nghiệp trong nước đã từng bước khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá ổn định và bền vững, có những bước tăng trưởng về mặt thanh khoản cũng như số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

BNEWS: Vậy đâu là yếu tố giúp thị trường tiếp tục gia tăng số lượng nhà đầu tư mới và có những thời điểm thanh khoản thị trường tăng mạnh, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thùy Linh: Những chính sách của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2023, đặc biệt việc Ngân hàng Nhà nước bốn lần điều chỉnh lãi suất điều hành giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng thanh khoản trên thị trường chứng khoán.

Có thể thấy, trong quý I/2023, thị trường chứng khoán vẫn còn trầm lắng nhưng từ tháng 5-8, thị trường đã có sự tăng trưởng về quy mô cũng như tính thanh khoản và số lượng nhà đầu tư tham gia mở mới tài khoản trong giai đoạn này khá cao. Đặc biệt, trong tháng 9, thị trường đã ghi nhận 1 triệu tài khoản mở mới và tính đến ngày 30/10 là 7,8 triệu tài khoản nhà đầu tư mới.

 

BNEWS: Sau một thời gian tăng cả về chỉ số và thanh khoản thì thị trường đã có những phiên điều chỉnh khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh. Điều này đã có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý nhà đầu tư. Vậy từ góc độ cơ quan quản lý thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những thông điệp gì gửi tới nhà đầu tư, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thùy Linh: Sau thời gian tăng trưởng mạnh về giá trị giao dịch và thanh khoản cũng như điểm số trên thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên điều chỉnh, tăng giảm có tính chu kỳ. Đồng thời, thị trường cũng bị tác động từ các yếu tố bất ổn về địa chính trị thế giới. Đây là một nhân tố tác động đến hoạt động của các nhà đầu tư tham gia trên thị trường.

Trong thời gian tới, với chính sách vĩ mô điều hành của Chính phủ đảm bảo cân đối lớn trong nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dần gỡ bỏ các vướng mắc, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực.

Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định rằng các nhà đầu tư cần có niềm tin vào thị trường, cân nhắc kỹ các quyết định đầu tư trên cơ sở xem xét các vấn đề về kinh tế vĩ mô, chính sách, những ảnh hưởng từ thế giới cũng như chính doanh nghiệp đó.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần tìm đến các kênh thông tin chính thống từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý để không bị những thông tin giả làm ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư.

BNEWS: Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Vậy xin bà cho biết vấn đề này đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện ra sao?

Bà Phạm Thị Thùy Linh: Về việc nâng hạng thị trường chứng khoán, vừa qua Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành và cơ quan liên quan đang tích cực trong việc tìm ra các giải pháp khả thi để có thể đạt được việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo hai Tổ chức xếp hạng là Morgan Stanley Capital International (MSCI) và FTSE Russell. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc trực tiếp với các đơn vị xếp hạng này và nhận được đánh giá cao về những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý về thị trường chứng khoán trong việc đưa ra giải pháp giải quyết các vướng mắc.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ rà soát và điều chỉnh lại một số văn bản pháp lý để có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề này, nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

BNEWS: Theo bà, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung vào các giải pháp nào để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trong thời gian tới?

Bà Phạm Thị Thùy Linh: Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đặt mục tiêu thúc đẩy thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng, chủ yếu cho các doanh nghiệp tham gia và cũng là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch cho nhà đầu tư.

Nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp từ rà soát, nghiên cứu sản phẩm đến việc đưa ra văn bản pháp lý đảm bảo thị trường hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ rà soát cải cách thủ tục hành chính trong việc công bố thông tin của các đối tượng thực hiện công bố thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo công việc này được thực hiện theo một đầu mối.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp cũng như các thành viên thị trường để đảm bảo hoạt động đầu tư, giao dịch của các nhà đầu được an toàn, minh bạch, đảm bảo quyền lợi và giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các giao dịch vi phạm quy định pháp luật về chứng khoán.

Ủy ban sẽ tăng cường hoạt động công bố thông tin quản trị của các công ty đại chúng và chất lượng báo cáo kiểm toán thông qua việc nâng cao chất lượng kiểm toán viên.

Ủy ban sẽ phối hợp với Hội Kiểm toán viên hành nghề tuyên truyền, đào tạo và nâng cao chất lượng kiểm toán viên thực hiện kiểm toán, báo cáo tài chính cho các công ty đại chúng. Một giải pháp đã và đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua và sắp tới, đó là tăng cường tuyên truyền, thông tin tới các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp về thông tin chính thống kịp thời, chính xác và đầy đủ để nhà đầu tư có thể tiếp cận được những thông tin chính thức và không bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư./.

BNEWS: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục