Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Fed tăng lãi suất

04:02' - 02/02/2023
BNEWS Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,5 - 4,75%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất.

Cụ thể, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 16,5 điểm, tương đương 0,40%, xuống 4.060,1 điểm còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 328,79 điểm (0,96%) xuống còn 33.757,25 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 3,75 điểm (0,03%) xuống 11.580,81 điểm.

Trước đó, Fed ngày 1/2 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,5 - 4,75%. Đây là lần tăng liên tiếp thứ 8 và là đợt tăng lãi suất có mức tăng nhẹ nhất của Fed kể từ khi chu trình thắt chặt chính sách tiền tệ này bắt đầu hồi tháng 3/2022 khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng kiềm chế lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - lưu ý rằng lạm phát đã dịu bớt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao. Mặc dù các thị trường kỳ vọng cuộc họp trong tuần này sẽ phát đi các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ sớm chấm dứt việc tăng lãi suất, nhưng tuyên bố không đưa ra dấu hiệu nào về khả năng này.

Quyết định nâng lãi suất của Fed được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý IV/2022 đạt 2,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng 3,2% của quý trước, nhưng vẫn vượt mức kỳ vọng mà các chuyên gia đã đưa ra trước đó. Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" phần nào vào cuối năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng, chỉ tăng 0,3% trong tháng 12/2022 so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra. Vì lý do đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tái khẳng định cam kết giữ lãi suất tăng cao cho đến khi lạm phát được kiểm soát tốt hơn.

Trước đó, trong dự báo đưa ra hồi tháng 12/2022, 17 trong số 19 quan chức Fed dự kiến lãi suất ở mức trên 5% trong năm 2023, trong khi 2 người còn lại đề xuất lãi suất duy trì ở mức trên 5,5%.

Tuy nhiên, bất chấp những bình luận của ông Powell vào ngày 1/2 (theo giờ địa phương), các nhà đầu tư dường như không tin rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023. Theo công cụ FedWatch của CME, tính đến đầu giờ chiều 1/2, các nhà giao dịch dự đoán xác suất 97,2% rằng lãi suất sẽ ở mức 5% hoặc thấp hơn vào tháng 12 tới.

Liz Young, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại ngân hàng trực tuyếnSoFi, cho rằng nhìn rộng ra, điều này phản ánh niềm tin rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra và Fed sẽ cần bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2023 để kích thích nền kinh tế, hoặc lạm phát sẽ giảm nhanh chóng trong năm và không cần phải tăng lãi suất. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng lạm phát sẽ "hạ nhiệt" nhanh chóng, đặc biệt là khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng tương đối mạnh bất chấp các đợt tăng lãi suất liên tiếp vào năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục