Phiên 31/1, chứng khoán Mỹ đi lên

07:57' - 01/02/2023
BNEWS Trong phiên giao dịch 31/1, chứng khoán Mỹ đi lên nhờ báo kinh doanh khả quan của doanh nghiệp.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% lên 34.086,04 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,5% lên 4.076,60 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,7% lên 11.584,55 điểm.

Các nhà giao dịch cho biết các chỉ số chính của Phố Wall đã thoát khỏi sự yếu kém ban đầu và tăng hơn 1%, nhờ kết quả kinh doanh tích cực từ ExxonMobil, General Motors và các công ty khác.

Chuyên gia Steve Sosnick của công ty môi giới Interactive Brokers nhận định phần lớn báo cáo thu nhập đều khá tốt và các nhà đầu tư Mỹ đang đánh giá tích cực về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Sosnick cho rằng thị trường đang ở trạng thái giá lên, một phần là do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm xoay trục khỏi chính sách tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Theo ông Sosnick, thị trường đang giả định rằng việc tăng lãi suất sắp kết thúc.

Đà tăng của chứng khoán diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày (31/1-1/2). Dự kiến, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp này.

Nếu kịch bản trên xảy ra, mức tăng lãi suất trong tháng Hai sẽ đánh dấu một bước giảm tốc nữa sau khi Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 12/2022, đưa tỷ lệ này lên 4,5-4,75%.

Thị trường sẽ hướng sự vào cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp và theo dõi các tín hiệu về triển vọng chính sách của Fed.

Phiên này, các nhà đầu tư đã lờ đi kết quả khảo sát của The Conference Board cho thấy tâm lý bi quan về triển vọng việc làm và các điều kiện kinh doanh trong ngắn hạn.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) đã cho thấy khả năng phục hồi cao hơn dự kiến trong những tháng cuối năm 2022, ghi nhận mức tăng tích cực 0,1%, cao hơn dự kiến trước đó của các nhà kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo không nên ăn mừng quá sớm. Theo nhà kinh tế Bert Colijn của ING, dù tránh được các kịch bản tồi tệ nhất trong mùa Đông và phục hồi đáng kinh ngạc, nền kinh tế vẫn trì trệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 2,9% trong năm 2023 nhờ tiêu dùng và đầu tư mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên giữa bối cảnh Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19.

Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) đóng cửa giảm 0,2% xuống 7.771,70 điểm; còn chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) đứng ở mức 15.128,27 điểm; chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) đóng phiên ở mức 7.082,42 điểm.

Tại thị trường Việt Nam, kết phiên 31/1, VN-Index tăng 8,61 điểm lên 1.111,18 điểm. HNX- Index tăng 1,65 điểm lên 222,43 điểm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục