Chứng khoán ngày 3/4: Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản bứt phá, thị trường vẫn giảm sâu

15:49' - 03/04/2018
BNEWS Nếu không có sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản thì có lẽ thị trường còn giảm sâu hơn nữa.
Nếu không có sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản thì có lẽ thị trường còn giảm sâu hơn nữa. Ảnh: TTXVN

Kết thúc phiên giao dịch chiều 3/4, VN- Index giảm 8,32 điểm xuống 1.88,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 255,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 7.980,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 121 mã tăng giá, 48 mã đứng giá và 171 mã giảm giá.

HNX- Index tăng 0,22 điểm lên mức 135,62 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 56,5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 1.026,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 68 mã tăng giá, 75 mã đứng giá và 90 mã giảm giá.

Nhóm có phiếu vốn hóa lớn diễn ra sự phân hóa theo chiều tiêu cực. Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 17 mã giảm giá, trong khi chỉ có 12 mã tăng giá. Đặc biệt, các mã cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường đều có mức giảm giá mạnh. Điều này đã gây áp lực rất lớn lên chỉ số VN- Index.

Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến như cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM giảm tới 6.000 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 2 triệu đơn vị. VNM cũng là cổ phiếu vốn hóa lớn bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với trên 1,2 triệu đơn  vị. Trong khi đó, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường cũng giảm tới 9.000 đồng/cổ phiếu. SAB cũng là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng.

Các mã vốn hóa lớn khác cũng giảm rất sâu như: cổ phiếu ROS giảm tới 9.800 đồng/cổ phiếu, MSN giảm 1.600 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 7.100 đồng/cổ phiếu, GAS và VJC đều giảm 3.100 đồng/cổ phiếu. 

Hai mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành thép cũng đồng thuận giảm điểm. Trong khi HPG giảm 500 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 6,3 triệu đơn vị thì HSG cũng giảm tới 550 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 1,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, BVH có mức tăng mạnh nhất với 3.400 đồng/cổ phiếu, DHG tăng 2.100 đồng/cổ phiếu, BMP tăng 1.100 đồng/cổ phiếu. Qua đó, có thể thấy rằng các mã vốn hóa lớn chiếm ưu thế vế số mã giảm và có mức giảm sâu hơn rất nhiều so với mức tăng của các mã tăng giá.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn diễn biến tiêu cực với hầu như tất cả các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm đều kết phiên trong sắc đỏ như: PLX giảm tới 1.900 đồng/cổ phiếu và bị khối ngoại bán ròng mạnh, BSR cũng giảm tới 1.000 đồng/cổ phiếu. Các mã như PVB, PVS, PVD, POW, OIL... cũng đều ở chiều giảm giá.

Nếu không có sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản thì có lẽ thị trường còn giảm sâu hơn nữa.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế. Ở chiều tăng giá có LPB, VPB, MBB, BID, VCB, KLB, BAB, EIB, SHB và CTG. Ở chiều giảm giá chỉ còn có ACB, VIB, STB và NVB. Tuy nhiên mức tăng, giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng là không lớn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán rất tích cực với nhiều mã tăng mạnh như: HCM tăng tới 4.100 đồng/cổ phiếu, VCI tăng 1.500 đồng/cổ phiếu, MBS tăng 700 đồng /cổ phiếu, SBS được kéo lên mức giá trần, trong khi VND tăng tới 1.750 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán là SSI tăng 1.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 12,3 triệu đơn vị.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, giúp cho nhóm cổ phiếu này với nhiều mã tăng giá và giao dịch rất tích cực; trong đó có nhiều mã tăng trần như: HDG tăng tới 3.400 đồng/cổ phiếu, CEO cũng tăng 1.400 đồng lên mức giá trần 8.400 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 5 triệu đơn vị, ASM cũng không kém cạnh khi tăng 750 đồng lên mức giá trần 12.100 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 7 triệu đơn vị. Trong khi các mã như HAG, QCG, SCR, DIG... đều kết phiên trong sắc xanh và có khố lượng giao dịch lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục