Chứng khoán phiên 23/10: Áp lực bán dâng cao khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm

16:23' - 23/10/2023
BNEWS Áp lực bán mạnh quay trở lại ngay từ phiên giao dịch sáng với sự gia tăng nhanh chóng của lực bán chủ động khiến cho VN-Index nhanh chóng đi xuống, lùi sát về khu vực 1.090 điểm.

Theo thống kê của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), gần như tất cả các nhóm ngành đều chịu áp lực lớn; trong đó, nhóm bán lẻ ghi nhận mức giảm lớn nhất, xấp xỉ 2,4%.

 

Rổ cổ phiếu VN30 có tới 27 mã giảm giá; trong đó, các mã như MSN, MWG, VNM, GAS và một số mã cổ phiếu ngân hàng thuộc rổ này giảm giá mạnh đã tác động tiêu cực lên chỉ số VN-Index.

Thực tế, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm giá càng khiến thị trường thêm khó khăn. Các mã như VPB, ACB, VCB, TCB, SHB... đều ở chiều giá đỏ.

Nhóm công ty chứng khoán dù liên tiếp ra báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng đột biến, nhưng cổ phiếu cũng chịu chung số phận giảm giá. Các mã trụ cột trong nhóm như SSI, SHS, MBS, VND, VDS có mức giảm giá sâu.

Các nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất, bảo hiểm, thủy sản, chăm sóc sức khỏe, xây dựng… diễn biến kém khả quan.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này chỉ mua ròng khoảng 85 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã VHM (1.046 tỷ đồng) và KBC (26,4 tỷ đồng). Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng nhẹ 0,56 tỷ đồng; trong đó, SHS bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 30 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 11 tỷ đồng trên UPCOM.

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp, chỉ đạt hơn 12.100 tỷ đồng trên HOSE; hơn 1.367 tỷ đồng trên HNX và gần 382 tỷ đồng trên UPCOM.

Thực tế, tình trạng thanh khoản thấp đã kéo dài suốt từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi giai đoạn trước, giá trị giao dịch mỗi ngày đều đạt mức cao từ 20.000 - 30.000 tỷ đồng.

Dòng tiền vẫn chờ đợi cơ hội thích hợp để giải ngân. Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý III/2023 đạt khoảng 77.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý.

So với cuối quý II, tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán đã tăng khoảng 10.000 tỷ đồng và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/9/2023.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 23/10, VN-Index giảm 14,5 điểm xuống còn 1,093.53 điểm; HNX-Index giảm 2,19 điểm xuống 226.26 điểm; UPCOM-Index giảm 0,35 điểm xuống 85,27 điểm. Toàn thị trường có 450 mã giảm và 302 mã tăng giá.

Thực tế, áp lực bán tăng mạnh đã được các chuyên gia chứng khoán lý giải. Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT có đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư cần quan sát thêm ảnh hưởng của hoạt động chủ động hạ hoặc giải chấp margin (vay ký quỹ) của một số bên cho vay tới xu thế thị trường trong những phiên tuần này.

Nhận định về đà bán tháo cổ phiếu, ông Hinh cho rằng, tâm lý tiêu cực bao trùm thị trường trước áp lực tỷ giá tăng cao nhất kể từ đầu năm, đến từ việc lãi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tiến đến gần 5%, cao nhất trong vòng 18 tháng.

Diễn biến này đã kích hoạt đà bán tháo tuần qua, khiến các nhóm ngành đồng loạt giảm điểm. Hiệu ứng domino bán giải chấp (công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ của nhà đầu tư về mức an toàn theo quy định) càng khiến đà giảm kéo dài.

Theo báo cáo từ tài chính quý III từ các công ty chứng khoán,  dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán vào thời điểm cuối quý III ước tính lên đến 165.000 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý II và tăng 43.000 tỷ đồng so với đầu năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục