Chứng khoán phiên 9/8: Chỉ số tăng vọt, sắc xanh lan tỏa nhưng thanh khoản thấp

16:15' - 09/08/2024
BNEWS Sắc xanh phủ kiến hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt khối ngoại trở lại mua ròng là những diễn biến tích cực của thị trường trong phiên hôm nay.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là mặc dù chỉ số tăng mạnh, nhưng thanh khoản ở mức thấp cho thấy sự e ngại của giới  đầu tư.

Chốt phiên giao dịch 9/8, VN-Index tăng 15,32 điểm lên 1.223,64 điểm; HNX-Index tăng 2,65 điểm lên 229,38 điểm; UPCOM-Index tăng 0,68 điểm lên 92,8 điểm. Thanh khoản toàn thị trường giảm mạnh, chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng.

 

Chứng khoán phiên 9/8: Chỉ số tăng vọt, sắc xanh lan tỏa nhưng thanh khoản thấp. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Khối ngoại trở lại mua ròng hơn 51 tỷ trên toàn thị trường trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối ngoại mua ròng 56 tỷ đồng trên HOSE. Các mã được mua ròng mạnh nhất là FPT và MWG với giá trị lần lượt 159 tỷ đồng và 145 tỷ đồng. Tiếp đến, CTG cũng được mua ròng hơn 100 trăm tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng 17 tỷ đồng trên thị trường UPCOM, trong khi bán ròng 22 tỷ đồng trên HOSE.

Rổ cổ phiếu VN30 có 25 mã tăng và chỉ có 4 mã giảm giá. Các  mã tăng mạnh như FPT tăng 4,53%, SSI tăng 4,33%, CTG tăng 4,3% có tác động rất tích cực đến thị trường chung.

Cùng đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn sắc đỏ, đa số ở chiều tăng giá cũng tạo động lực lớn cho thị trường đi lên. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng mạnh; trong đó, FTS tăng 6,9% lên giá trần 41.050 đồng/cổ phiếu, BSI tăng 6%, APG tăng 5,77%, BVS tăng 4,93%, BMS tăng 4,82%, SHS tăng 4,79%, HCM tăng 4,73%, SSI tăng 4,33%, MBS tăng 4,26%....

Sắc xanh cũng lan tỏa tại các nhóm cổ phiếu dầu khí, công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, tiêu dùng không thiết yếu.

Ở chiều tiêu cực, cổ phiếu bất động sản có mức giảm mạnh, do tác động từ những mã cổ phiếu đầu ngành họ Vingroup là VIC giảm 1,44%, VHM giảm 1,06% và VRE giảm 0,85%.

Trong báo cáo thị trường quý III vừa được Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) công bố mới đây với chủ đề “Tích lũy chờ bứt phá”, công ty chứng khoán này kỳ vọng sự luân chuyển tích cực sẽ duy trì trong quý III với trọng tâm là các nhóm: Công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, công nghiệp, nguyên vật liệu do các nhóm này vẫn đang duy trì dấu hiệu mở rộng về động lượng và tỷ trọng dòng tiền giao dịch.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu tài chính mà tiêu biểu là ngân hàng với những tín hiệu hồi phục tích cực trong nửa đầu tháng 7 cũng đang để ngỏ khả năng đảo chiều, hỗ trợ VN-Index trong kịch bản tiếp diễn xu hướng tăng giá.

Thống kê biến động lịch sử của Vn-Index cũng cho thấy xác suất tăng điểm của chỉ số cũng sẽ được nâng cao sau mùa báo cáo bán niên, khi kỳ vọng của nhà đầu tư đã có sự điều chỉnh phù hợp cho giai đoạn cuối năm.

Các yếu tố rủi ro cho khả năng điều chỉnh của thị trường tiếp tục cần được theo dõi bao gồm xu hướng của tỷ giá và lãi suất, dòng tiền khối ngoại và tác động từ xu hướng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản…

FPTS cho rằng việc tìm kiếm các cơ hội giao dịch ngắn hạn sẽ khó khăn hơn trong nửa đầu quý III nếu VN-Index duy trì vùng giằng co hẹp bên dưới ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, các vị thế Swingtrade (phương pháp giao dịch kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật) có thể cân nhắc nếu chỉ số thoái lui về khu vực hỗ trợ 1.200 - 1.220 điểm và cho tín hiệu phục hồi trở lại.

Về dài hạn, giai đoạn hiện tại vẫn phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, thực hiện tích lũy cổ phiếu trên cơ sở kỳ vọng các chủ đề đầu tư sẽ tiếp tục dẫn dắt xu hướng và luân chuyển ngành cho giai đoạn nửa cuối năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục