Chứng khoán thế giới nửa đầu năm 2024: Thăng hoa và nhiều biến số

16:01' - 03/07/2024
BNEWS Nửa đầu năm 2024 đã kết thúc trong "nốt thăng" đối với các thị trường tài chính thế giới, với chứng khoán toàn cầu tăng 2,6% chỉ riêng trong tháng 6/2024.

Nửa đầu năm thăng hoa

Trong một báo cáo gửi khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết chỉ số MSCI All Country World Index, công cụ theo dõi chứng khoán toàn cầu, đã tăng 13,5% trong sáu tháng đầu năm, trong đó dẫn đầu là mức tăng 15,3% của chỉ số tổng hợp S&P 500 của Mỹ.

 

UBS xác định sự bùng nổ xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố chính thúc đẩy thị trường. Nvidia - nhà sản xuất chip tối ưu cho các hệ thống AI đã trở thành công ty có giá trị nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường vào phiên 18/6, vượt qua tập đoàn phần mềm Microsoft và gã khổng lồ Apple.

Trong phiên 18/6, giá cổ phiếu của Nvidia tăng khoảng 3,5%, lên hơn 135,5 USD. Nhờ đó, vốn hóa của hãng công nghệ này vươn lên mức lớn nhất thế giới với khoảng 3.340 tỷ USD. Dù cổ phiếu Nvidia đã giảm giá kể từ khi đạt mốc ấn tượng nêu trên, mã cổ phiếu này vẫn tăng 12,7% theo tháng và khoảng 150% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại.

Theo các quản lý trong ngành công nghệ, việc các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khác đang tăng tốc triển khai AI tạo sinh đã thúc đẩy nhu cầu mua cổ phiếu của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực chip, điện toán đám mây, phần mềm và trung tâm dữ liệu.

Dữ liệu do trang thống kê Statista tổng hợp đến cuối tháng Sáu vừa qua cho thấy cổ phiếu Nvidia đóng góp nhiều nhất, tới 30% vào mức tăng của S&P 500 từ đầu năm tới nay. Amazon, Meta Platforms và Microsoft – tất cả đều đầu tư mạnh vào AI – theo sau với mức đóng góp từ 5% đến gần 7%.

Và nếu nhìn vào những cổ phiếu có thành tích tốt nhất thuộc nhóm S&P 500 trong nửa đầu năm, đó cũng là những cổ phiếu AI. Super Micro Computer, nhà sản xuất máy chủ và giải pháp toàn diện cho trung tâm dữ liệu AI, đã trở thành mã cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường khi tăng gần 200%. Xếp thứ hai là Nvidia với mức tăng khoảng 150%.

Cơn sốt AI, cùng với nền kinh tế kiên cường, đã nâng chỉ số S&P 500 lên những kỷ lục mới trong năm nay. S&P 500 đã tăng 15% tính từ đầu năm đến nay. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones sắp phá vỡ mốc 40.000 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq đã tăng gần 19% trong năm nay.

Đà tăng của chứng khoán Mỹ đặc biệt được thúc đẩy khi có thêm những bằng chứng cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dịu đi, khiến các nhà phân tích dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm. Sự lạc quan này càng được hỗ trợ bởi dữ liệu gần đây cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) chỉ tăng 0,08% trong tháng 5/2024, mức tăng nhỏ nhất kể từ năm 2020.

Những con số này đã củng cố dự đoán của các nhà phân tích về khả năng "hạ cánh mềm" đối với nền kinh tế Mỹ. Các nhà phân tích tin rằng những dấu hiệu tiếp theo về triển vọng “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ cuối cùng sẽ cho phép Fed cắt giảm lãi suất hai lần vào năm 2024.

Tháng trước, Fed đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ chỉ giảm lãi suất một lần trong năm nay, do các nhà hoạch định chính sách vẫn đang theo dõi những dấu hiệu khẳng định lạm phát đang chậm lại một cách bền vững.

Sáu tháng cuối năm nhiều biến số

Khi bước vào nửa cuối năm với cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Mỹ, sự bất ổn về địa chính trị và mối đe dọa lạm phát vẫn dai dẳng, câu hỏi đặt ra là liệu thị trường có thể phát triển lợi nhuận hay không.

Chất xúc tác chính đằng sau sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán là sự bùng nổ về AI và tâm lý lạc quan về tiềm năng của công nghệ này. Những hào hứng đó không chỉ dẫn đến việc định giá cổ phiếu cao hơn mà còn dẫn đến các công ty chi tiêu nhiều hơn. Theo tờ The Wall Street Journal, Amazon đang có kế hoạch chi hơn 100 tỷ USD trong vài năm tới để bổ sung 216 tòa nhà trung tâm dữ liệu mới.

Nhưng con đường tiếp theo có thể nhiều bấp bênh. Những bất ổn chính trị có thể trở thành yếu tố gây tác động mạnh mẽ hơn đối với giá các tài sản, khi các nhà đầu tư tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Một cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng JPMorgan cho thấy các nhà đầu tư coi rủi ro chính trị ở Mỹ và các nước khác là yếu tố gây bất ổn tiềm ẩn hàng đầu đối với chứng khoán thế giới.

Các nhà đầu tư cũng ngày càng lo ngại về xu hướng thu hẹp trong mức tăng trưởng của thị trường, vốn chỉ tập trung ở một số cổ phiếu công nghệ. Trên thực tế, 60% mức tăng của S&P 500 đến từ nhóm cổ phiếu “Bộ Bảy vĩ đại” (Magnificent Seven – gồm Nvidia, Microsoft, Apple, Amazon, Meta Platforms, Alphabet và Tesla).

Một trong những câu hỏi quan trọng mà những cổ phiếu này phải đối mặt là liệu thu nhập của các doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng ở mức phù hợp với mức định giá hay không. Hiện tại, các nhà phân tích đang kỳ vọng mức tăng trưởng thu nhập quý II/2024 là 8,8% và thu nhập cả năm 2024 sẽ tăng hơn 11% cho nhóm trên. Vào năm 2025, con số đó được dự báo ở mức gần 14,5%.

Bên cạnh đó, yếu tố thiếu chắc chắn khác là liệu nền kinh tế Mỹ có thể duy trì sự cân bằng giữa lạm phát giảm dần và tăng trưởng bền vững - điều đã thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư - hay không. Những diễn biến sai lệch so với kịch bản kỳ vọng có thể làm đảo lộn kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed vào cuối năm nay.

Một nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Allianz về việc cắt giảm lãi suất tại Mỹ kể từ những năm 1980 cho thấy S&P 500 đã tăng trung bình 5,6% trong 12 tháng sau khi chu kỳ bắt đầu. Nhưng việc cắt giảm lãi suất trong môi trường kinh tế đầy thách thức lại dẫn đến lợi nhuận suy giảm mạnh hơn nhiều. Ví dụ, chu kỳ cắt giảm lãi suất bắt đầu sau sự sụp đổ của “bong bóng” dotcom hồi năm 2000 đã khiến chỉ số này giảm 13,5% trong một năm sau đó.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục