Chứng khoán trong nước tuần từ 25- 29/12: Lạc quan trong thận trọng

14:24' - 24/12/2017
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tuần giao dịch (từ 18-22/12) đầy biến động, hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đồng loạt tăng điểm nhưng sắc xanh không có sự lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu.
Chứng khoán trong nước tuần từ 25- 29/12: Lạc quan trong thận trọng. Ảnh: TTXVN
Các chỉ số chính của thị trường hồi phục trở lại nhờ lực cầu tốt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, mà tiêu biểu nhất là nhóm dầu khí và ngân hàng.

Nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tích cực nhất với các mã tiêu biểu như PVD tăng 4,8%, PLX tăng 6,2%, PVD tăng 4,8%, PVS tăng 13,4%, PVB tăng 19,5%.

Theo giới phân tích, trong tuần tới nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn có nhiều khả năng tăng trưởng do những diễn biễn tích cực của giá dầu thế giới.

Trong phiên cuối tuần (22/12), giá dầu thế giới vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2015, trước cam kết hỗ trợ giá “vàng đen” của các nhà sản xuất dầu mỏ.

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 35 xu Mỹ lên 65,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015; còn giá dầu WTI tăng 11 xu Mỹ lên 58,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa năm 2015.

Giới phân tích cho rằng, trong dài hạn giá dầu thế giới vẫn có nhiều khả năng diễn biến tích cực do những nỗ lực cân bằng thị trường của các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.

OPEC và 10 nhà sản xuất dầu mỏ khác không thuộc tổ chức này hồi tháng trước đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới hết năm 2018.

Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Bakhit al-Rashidi cho biết, mức độ tuân thủ thỏa thuận trên hiện đạt 122%, mức cao nhất kể từ khi thỏa thuận này đi vào thực thi.

Xét về các yếu tố trong nước, dự báo trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành công nghiệp khí trong nước vẫn có nhiều động lực tăng trưởng; trong đó động lực chính đến từ khí LPG sử dụng trong lĩnh vực dân dụng, do hiện tại mức sử dụng bình quân trên đầu người ở Việt Nam còn thấp.

Đặc biệt, kế hoạch phát triển nhiệt điện khí sẽ được đẩy mạnh với sản lượng điện từ 8,8 GW vào năm 2015 lên đến 15 GW vào năm 2025. Đồng thời, dự báo ngành điện sẽ đóng góp 0,5%/năm vào mức tăng trưởng ngành công nghiệp khí, còn ngành đạm sẽ tiếp tục duy trì mức tiêu thụ khí ổn định như hiện nay.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) nhận định, xu hướng tăng của giá dầu đã tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm này có thể tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới.

Tuần qua cũng là tuần giao dịch thành công với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Hầu hết các mã trong nhóm này đều tăng mạnh như SHB tăng 3,4%, VCB tăng 10,4%, MBB tăng 4,1%, CTG tăng 1,8%, ACB tăng 1,2%, VPB tăng 5,8%.

Mặc dù tổng kết tuần nhóm cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng khá tốt, nhưng diễn biến thị trường cho thấy nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua có sự trồi sụt liên tục và chưa hình thành một xu thế tăng chắc chắn.

Theo các chuyên gia, lợi nhuận của các ngân hàng thường bị ảnh hưởng do phải trích dự phòng cao, điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong “rổ” VN-Index. Vì thế, nhà đầu tư còn có tầm nhìn dài hạn khi đầu tư vào các mã cổ phiếu thuộc nhóm cổ phiếu này.

Theo TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, hiện nay lợi nhuận đã quay lại với ngành ngân hàng, nhưng mức lợi nhuận quay lại đó chưa có độ chắc chắn.

Sự không chắc chắn này từ việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đã có hiệu lực, nhưng nghị quyết này chỉ giải quyết những khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017, còn những món nợ xấu phát sinh sau ngày đó thì vẫn phải áp dụng theo những quy định hiện hành của pháp luật. Đó cũng là một điều khó khăn cho các món nợ xấu phát sinh sau này.

Ông Tín cho biết, các nước trên thế giới nguồn thu của hoạt động ngân hàng không chỉ dựa vào hoạt động tín dụng mà dựa rất lớn vào nguồn thu từ dịch vụ chiếm tới 80%; trong khi cơ cấu nguồn thu ngân hàng ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, chiếm tới 80% là thu từ tín dụng và 20% là từ dịch vụ.

Như vậy đã cho vay, đã cấp tín dụng tức là chắc chắn phát sinh nợ xấu, ông Tín cho biết.

“Việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ “nuốt” vào lợi nhuận của ngân hàng. Tức là 10 đồng lợi nhuận có tới 8 đồng lợi nhuận từ tín dụng. Trong 8 đồng lợi nhuận tín dụng đó phải bỏ ra để trích lập dự phòng, nhiều khi trích lập dự phòng xong chỉ còn 3 đến 4 đồng lợi nhuận”, ông Tín dẫn giải.

Chính những nguyên nhân nêu trên khiến cho nguồn thu của ngành ngân hàng không bền vững. Điều này làm cho cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đôi lúc cứ trồi sụt.

Ông Tín cũng cho rằng, trong thời gian tới sẽ diễn ra sự phân hóa mạnh tại nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Diễn biến thị trường phiên cuối tuần qua cũng cho thấy, thị trường tăng trưởng chủ yếu nhờ đóng góp của VIC và VCB, còn độ rộng của thị trường khá yếu khi chỉ có 124 mã tăng và có tới 148 mã giảm.

Khối lượng giao dịch trong ngày cuối tuần rất cao, đạt 7.792 tỷ đồng nhờ sự đóng góp lớn từ VNM với 17 triệu cổ phiếu tương đương 3.300 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận trong phiên sáng.

Như vậy nếu loại trừ 3.300 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận của VNM thì thanh khoản phiên cuối tuần chỉ đạt 4.500 tỷ đồng thấp hơn đáng kể so phiên trước đó (5.800 tỷ đồng). Việc thanh khoản sụt giảm chứng tỏ nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng cao.

Hơn nữa có thể nhận thấy, tuần qua nhóm vốn hóa vừa và nhỏ không thu hút dòng tiền mạnh và bị chốt lời khá nhiều.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những dẫu hiệu tích cực. Đơn cử như việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua, đạt hơn 1.023 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 973 tỷ đồng và mua ròng trên HNX với hơn 50,9 tỷ đồng.

Với diễn biến thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định lạc quan trong thận trọng cho tuần giao dịch từ 25-29/12.

Công ty cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS cho rằng thị trường đang có cơ hội tiếp diễn xu hướng tăng giá. Mặt khác, trong thời gian ngắn sắp tới thị trường cũng sẽ bước vào đợt công bố thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2017.

FPTS khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi kỹ phản ứng của thị trường tại khu vực 960 - 970 điểm để ra quyết định phù hợp. Các phiên hiệu chỉnh, rung lắc nếu xảy ra ,nhưng không vi phạm ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index, sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục, mua vào cổ phiếu tốt với giá thấp hơn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC: “VN-Index tăng điểm nhờ một số cổ phiếu trụ cột, trong khi HNX-Index tiếp tục giảm điểm. Nhìn chung xu hướng tăng của thị trường trong ngắn hạn đang bị nghi ngờ. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì danh mục cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu".

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt – VCSC nhận định: "Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức tích cực đối với tất cả các chỉ số chứng khoán và nhiều khả năng những VN-Index, HNX-Index hay VNMidcap sẽ tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ tác động của lực cầu được thúc đẩy bởi các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn. Tuy nhiên, tâm lý nghi ngờ vẫn sẽ hiện hữu và sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục