Chứng khoán Trung Quốc dẫn dầu xu hướng giảm tại châu Á

17:05' - 10/09/2018
BNEWS Chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải dẫn dầu xu hướng bán tháo trên các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên ngày 10/9

Chứng khoán Hong Kong và Thượng Hải dẫn dầu xu hướng bán tháo trên các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên ngày 10/9 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, qua đó làm tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chứng khoán Trung Quốc dẫn dầu xu hướng giảm tại châu Á. Ảnh: THX

Cụ thể, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong giảm 1,33% (360,05 điểm) xuống 26.613,42 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải để mất 1,21% (32,82 điểm) xuống 2.669,48 điểm.

Chứng khoán Singapore giảm 0,6%; hai sàn Bangkok và Jakarta cũng hòa chung xu hướng giảm này.

Tuy nhiên, tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,3% (66,03 điểm) 22.373,09 điểm, kết thúc chuỗi sáu ngày giảm liên tiếp, dù cho các nhà đầu tư vẫn thận trọng về khả năng một cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang. Chứng khoán Seoul cũng tăng 0,3%.

Những bình luận của Tổng thống Trump hôm 7/9 đã làm gia tăng tình hình bất ổn trên các sàn giao dịch, vốn cũng đã bị ảnh hưởng bởi lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính tại các thị trường mới nổi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẵn sàng áp thuế đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ, với tuyên bố có thể áp thuế thêm đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong thời gian tới, ngoài 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia châu Á này dự kiến sắp bị Mỹ áp thuế. Về phía mình, Bắc Kinh cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa khác nếu Washington áp thêm các loại thuế mới.

Các thị trường chứng khoán cũng bị tác động bởi cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi giữa Mỹ và Canada vẫn chưa kết thúc.

Trên thị trường tiền tệ, báo cáo việc làm khỏe mạnh của Mỹ làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần nữa trong năm nay, qua đó làm tăng sức ép lên đồng USD.

Đồng bạc xanh đã tăng mạnh so với một số đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi, trong đó đồng rupee của Ấn Độ ở mức thấp kỷ lục, còn đồng rupiah Indonesia ở mức thấp nhất của 20 năm, do lo ngại cuộc khủng hoảng kinh tế tại Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ có thể lan rộng trên toàn cầu.

Đồng euro đứng ở mức 1,1528 USD/euro, thấp hơn so với mức 1,1560 USD/euro trước đó. Đồng bảng Anh được giao dịch ở mức 1,2898 USD so với 1,2923 USD/bảng, còn 1 USD đổi được 110,95 yen so với mức 111,02 yen/USD.

Mở cửa phiên sáng ngày 10/9 tại thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên thị trường chứng khoán London hạ 0,1% xuống 7.272,60 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt cũng giảm gần 0,1% xuống 11.950,55 điểm, trong khi chỉ số CAC tại Paris đi ngang, đứng ở mức 5.250,76 điểm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục