Chứng khoán tuần từ 29/1 - 2/2: Dòng tiền lớn sẽ là nhân tố chính nâng đỡ thị trường

16:48' - 28/01/2018
BNEWS Tuần giao dịch qua, sự cố kỹ thuật đã khiến sàn HOSE phải nghỉ giao dịch ngày 23 và 24/1.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn rất vững vàng và gia tăng giải ngân, giúp thị trường lập kỷ lục mới về thanh khoản, đạt hơn 16.000 tỷ đồng trong ngày sàn HOSE giao dịch trở lại (25/1).

Nhận định chứng khoán tuần từ 29/1 - 2/2: Dòng tiền lớn sẽ là nhân tố chính nâng đỡ thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 53,57 điểm lên 1.115,64 điểm; HNX-Index tăng 4,43 điểm lên 126,82 điểm.

Mặc dù sàn HOSE tạm ngừng giao dịch 2 ngày, nhưng thanh khoản trung bình mỗi phiên giao dịch vẫn giữ ở mức cao với khoảng 11.600 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Nhìn lại chuỗi tăng giá có thể nhận thấy dòng tiền có dấu hiệu tăng kể từ khoảng tháng 11/2017 và ngày càng tăng mạnh, cho thấy nhà đầu tư đang ở trạng thái hưng phấn.

Giới phân tích và đầu tư chứng khoán cho rằng, việc dòng tiền vẫn “chảy” mạnh vào thị trường là nhân tố tích cực giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, phiên cuối tuần, thanh khoản của rổ cổ phiếu VN30 chỉ đóng góp 46% vào tổng giá trị giao dịch, cho thấy dòng tiền đang dàn đều trên thị trường, chứ không chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Diễn biến của thị trường cho thấy, áp lực chốt lời đã gia tăng trở lại trên thị trường vào phiên cuối tuần. Thị trường mở cửa với biến động lớn vào phiên sáng khi chỉ số và toàn thị trường dao động quanh biên độ lớn 21 điểm. Rung lắc tiếp tục diễn ra vào phiên chiều nhưng biên độ hẹp hơn với 11 điểm.

Tuy vậy, đà tăng vẫn được giữ vững đến cuối phiên nhờ sự vững vàng của dòng tiền. Thanh khoản có sự sụt giảm nhưng lực cầu giá cao vẫn được duy trì ổn định.

Với diễn biến thị trường như trên, giới phân tích cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong tình trạng rung lắc mạnh vào những phiên giao dịch đầu tuần tới trước khi bứt phá lên ngưỡng 1.160 – 1.170.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cho đến nay, nhóm ngân hàng, chứng khoán là 2 nhóm ngành điển hình nhất về triển vọng tích cực. Ngành ngân hàng năm 2018 sẽ rất sôi động và nhiều màu sắc. Những động lực tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và những cơ chế mới trong việc xử lý nợ xấu sẽ mang đến tương lai triển vọng hơn cho ngành ngân hàng.

Thực tế, tuần qua nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tăng mạnh mẽ đã hỗ trợ rất tốt cho thị trường. Các mã tăng mạnh trong nhóm ngân hàng như VCB tăng trưởng tới 13,3%, BID tăng 20,8%, CTG tăng 7,9%, MBB tăng 13,3%, LPB tăng 9,6%, ACB tăng 6,6%, SHB tăng 9,7%.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng liên tục trong nhiều phiên giao dịch. Nhiều mã cổ phiếu đã được đẩy lên mức giá rất cao, vì vậy rất có thể nhóm cổ phiếu ngân hàng cần nhịp điều chỉnh và tích lũy trước khi bắt đầu một nhịp tăng mới.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn có khả năng tăng giá tiếp, tập trung vào những mã được khối ngoại mua ròng nhiều.

Theo giới phân tích, những mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường sẽ luôn thu hút dòng tiền trong ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn sẽ chiếm ưu thế nếu xu hướng tăng trưởng của thị trường còn tiếp diễn. Hiện nay, chưa có yếu tố nào đủ mạnh có thể tác động khiến xu hướng này thay đổi.

Thực tế, tuần qua, thị trường ghi nhận sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngành dầu khí như GAS tăng tới 17,6%, PLX tăng 7,8%, VNM tăng 5,22%, VIC tăng 1,8%, MSN tăng 8,2%.

Ngoài dòng tiền nội đổ mạnh vào thị trường thì dòng tiền ngoại cũng tích cực mua ròng cổ phiếu trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 1.605 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại đã mua ròng trên HOSE hơn 1.669 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 63,6 tỷ đồng.

Với diễn biến thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự nâng đỡ của dòng tiền. Tuy nhiên thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện những nhịp rung lắc mạnh

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC cho rằng, nhìn chung, thị trường tăng điểm mạnh vẫn nhờ sự đóng góp từ những cổ phiếu có vốn hóa lớn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đang có những dấu hiệu gia tăng khiến cho thị trường phân hóa rõ rệt trong các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, dầu khí.

BSC nhận định dù lượng bán ra khá mạnh nhưng lực cầu của nhà đầu tư vẫn còn và chỉ số thị trường tiếp tục rung lắc mạnh. Nhà đầu tư nên theo dõi dòng tiền và giảm tỷ trọng ở những mã cổ phiếu bị bán mạnh cũng như không còn thu hút được sự chú ý.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT - FPTS, mặc dù xu hướng của thị trường chung đang rất tích cực nhưng cơ hội lợi nhuận lại không dễ dàng với phần đông nhà đầu tư trên thị trường. Ngoài các cổ phiếu tài chính và dầu khí đang giữ vai trò dẫn dắt thì dòng tiền vẫn đang xoay vòng rất nhanh giữa các nhóm cổ phiếu khác và góp phần giữ nhịp cho xu hướng chung.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, các chỉ số tiếp tục đi lên trong rung lắc. Hiện tượng xả hàng xuất hiện ở nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ. Các cổ phiếu lớn tiếp tục thu hút được dòng tiền. Nhà đầu tư có thể thực hiện việc cơ cấu lại danh mục đầu tư tại thời điểm này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục