Chứng khoán Việt Nam sáng 11/4 mở cửa trong sắc đỏ

09:43' - 11/04/2024
BNEWS Cùng chung xu hướng với thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ sáng nay (11/4) trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến.

Mở cửa phiên giao dịch 11/4, VN-Index lao dốc một mạch hơn 9 điểm, sau đó đến khoảng 9 giờ 20 phút chỉ số quay đầu hồi phục, thu hẹp đà giảm.

Tới 9 giờ 25 phút, VN-Index giảm gần 6 điểm; HNX-Index giảm 1,36 điểm và UPCOM-Index giảm 0,22 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn duy nhất VAB giữ được sắc xanh, hầu hết ở thời điểm này các mã ngân hàng ở chiều giảm giá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán ngập sắc đỏ, chỉ lác đác vài mã đứng ở tham chiếu.

Sắc đỏ cũng là chủ đạo tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bảo hiểm, xây dựng vật liệu, viễn thông, hàng và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ…

Đến 9 giờ 32 phút, thị trường mất đà hồi phục và VN-Index bị kéo giảm hơn 9 điểm, HNX-Index giảm hơn 1,6 điểm và UPCOM-Index giảm nhẹ 0,09 điểm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới đi xuống.

Trước đó, trong phiên giao dịch 10/4, chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi số liệu lạm phát “dội gáo nước lạnh” vào kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.

 

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu còn chịu sức ép do lợi suất trái phiếu vượt trên mốc 4,5% để chạm mức cao nhất kể từ tháng Mười Một.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 422,16 điểm (1,09%) xuống 38.461,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 49,27 điểm (0,95%) xuống 5.160,64 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 136,28 điểm (0,84%) xuống 16.170,36 điểm.

Các nhà giao dịch cho biết vào lúc mở cửa cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều giảm mạnh, sau số liệu giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3/2024.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Ba vừa qua tăng 0,4%, sau mức tăng tương tự hồi tháng 2/2024. Tính trong 12 tháng qua, CPI của Mỹ trong tháng Ba tăng 3,5%, cách khá xa so với mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra là 2%. Thống kê này đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu tới.

Ông Ryan Detrick, chiến lược gia trưởng thị trường tại công ty tư vấn tài chính Carson Group ở Omaha, nhận định dữ liệu lạm phát đã thúc đẩy hoạt động bán ra cổ phiếu, khi nhà đầu tư giảm bớt hy vọng không chỉ về thời điểm của đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên mà còn về cả số lần hạ lãi suất trong năm nay.

Biên bản cuộc họp chính sách tháng Ba của Fed đã phản ánh mối lo ngại của cơ quan này về khả năng tiến trình đưa lạm phát về mục tiêu có thể bị đình trệ và chính sách tiền tệ sẽ cần được duy trì lâu hơn dự kiến.

Theo ông Detrick, chỉ một tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đánh đi tín hiệu về ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Song, nhà đầu tư đang nghi ngại số liệu lạm phát mới có làm thay đổi quan điểm của ông hay không.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục