Chương trình đảm bảo giá gạo của Thái Lan sẽ kéo dài trong 1 năm

10:27' - 15/09/2019
BNEWS Chương trình đảm bảo giá gạo Thái Lan sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 10 tới và kết thúc vào tháng 10/2020.
Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa. Ảnh: TTXVN

Truyền thông sở tại dẫn lời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết chương trình đảm bảo giá gạo sẽ bắt đầu được triển khai vào tháng tới và kết thúc vào tháng 10/2020, trong đó nông dân sẽ được trả tiền đền bù giá sau khi giá gạo xuống dưới mức tiêu chuẩn đã được xác định trước đó.
Theo đó, các khoản giải ngân đầu tiên sẽ bắt đầu từ ngày 15/10 tới, đồng thời chương trình đảm bảo giá gạo sẽ được gia hạn thường niên trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của chính phủ đương nhiệm.

Phát biểu của ông Jurin được đưa ra khi ông dẫn đầu đoàn cán bộ Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan đi giới thiệu chương trình trên cho nông dân ở các tỉnh Đông Bắc nước này, gồm Roi Et, Si Sa Ket, Surin, Yasothon và Maha Sarakham.
Ngày 27/8 vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã thông qua gói ngân sách trị giá 59 tỷ baht (2 tỷ USD) cho chương trình đảm bảo giá, trợ giá gạo và dầu cọ.

Trong khoản ngân sách trên, 13,3 tỷ baht dành cho chương trình đảm bảo giá gạo, 21,4 tỷ baht cho dầu cọ và 25 tỷ baht còn lại được dùng để hỗ trợ chi phí sản xuất cho nông dân trồng lúa.
Chương trình đảm bảo giá sẽ được áp dụng với 5 loại sản phẩm: thóc gạo trắng độ ẩm 15%, thóc gạo hương Thái (Thai Hom Mali), thóc gạo thơm Pathum Thaini độ ẩm 15%, thóc nếp độ ẩm 15% và các loại thóc gạo thơm địa phương.

Nông dân sẽ được đảm bảo giá thóc gạo trắng độ ẩm 15% ở mức 10.000 baht (333 USD)/tấn, tổng khối lượng được hưởng trợ giá không quá 30 tấn mỗi hộ nông dân hoặc tương đương 40 rai (6,4 ha) diện tích trồng lúa.

Trong khi đó, thóc Thai Hom Mali được đảm bảo ở mức 15.000 baht (500 USD)/tấn, tổng khối lượng được trợ giá không quá 14 tấn hoặc 40 rai diện tích trồng lúa.
Chương trình trên sẽ do Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp (BAAC) vận hành. Để đủ điều kiện nhận tiền đảm bảo giá gạo, người trồng lúa phải đăng ký với Cục Phát triển Nông nghiệp.

Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp vào các tài khoản đăng ký tại BAAC. Theo ông Jurin, hiện nay đã có khoảng 4,1 triệu nông dân Thái Lan đăng ký tham gia chương trình./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục