Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Như nắng hạn “đợi” mưa rào!
Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình được Chính phủ ban hành gần 2 tháng đang được các bộ, ngành, địa phương đưa vào cuộc sống. Chương trình được ví như "Nắng hạn đợi mưa rào" bởi những mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội thông qua gói hỗ trợ nhà ở cho công nhân, cho vay với các đối tượng chính sách; đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế phục hồi, phát triển sản xuất; đẩy mạnh đầu tư công...
Quy mô của chương trình khoảng 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong vòng 2 năm với mục tiêu chính là thúc đẩy GDP tăng trưởng trung bình ở mức 6,5% đến 7% trong giai đoạn 2022-2023. Theo đó, Chương trình tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là đầu tư 60 nghìn tỷ đồng nhằm nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 48,5 nghìn tỷ đồng chi cho hỗ trợ việc làm và an sinh xã hội; 110 nghìn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng và hơn 10 nghìn tỷ đồng dành chi cho các giải pháp khác.
Đón nhận chủ trương này, bà Ngô Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đăng kiểm Bách Việt phấn khởi cho hay, đây là những thông tin tích cực có thể lập tức đem lại luồng sinh khí mới cho số đông doanh nghiệp – vốn đang rất khó khăn và chật vật để duy trì hoạt động. Suốt 2 năm diễn ra dịch bệnh COVID-19, thị trường và khách hàng của doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng khó khăn trước sức ép của dịch bệnh và chủ trương hạn chế, kiểm soát chặt chẽ để phòng dịch của Chính phủ. Do đó, không chỉ dòng tiền của doanh nghiệp bị ảnh hưởng mà chi phí đầu vào vẫn tăng cao, vẫn phải chi thường xuyên nên doanh thu liên tục giảm sút. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, dù đã có nhưng chưa đủ liều và lượng, lãi suất ngân hàng dù đã giảm nhưng cũng chưa đủ mạnh, chưa đủ nhiều để giúp các doanh nghiệp có thể nhanh chóng phục hồi và có sức bật mới cho sự phát triển. Theo bà Thu Hằng, với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội gần 350 nghìn tỷ đồng sắp được triển khai, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất và giảm thuế giá trị gia tăng 2% sẽ thực sự tạo thêm nguồn tích lũy giúp doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ và tập trung vào khôi phục sản xuất, kinh doanh. “Mong rằng, chính sách sẽ hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, công khai, minh bạch và được giám sát thực hiện tốt để nguồn lực đến đúng địa chỉ”, bà Hằng nhấn mạnh. Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch - lĩnh vực chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch COVID-19, Chủ tịch Công ty cổ phần Vietravel Holdings Nguyễn Quốc Kỳ cho hay, từ sau khủng hoảng của dịch bệnh, tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, lịch sử hình thành… giờ đều phải xếp hàng trên một vạch xuất phát. Doanh nghiệp nào bật lên nhanh thì lấy lại được thị trường. Muốn xuất phát nhanh, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và cần có sức bật mạnh từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. “Hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ phụ thuộc vào quy mô gói hỗ trợ và tốc độ triển khai…nhanh thì còn kịp cứu các doanh nghiệp trước khi phá sản. Nhiều phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy, họ mong muốn chính sách hỗ trợ cũng phải nhanh và hiệu quả như chiến lược ngoại giao vaccine mà Việt Nam đã và đang triển khai trong thực tiễn. Bên cạnh đó, cũng rất cần việc mở cửa thị trường và duy trì các hoạt động kinh tế một cách liên tục, nhất quán. Đó là cách tốt nhất, chính sách hiệu quả nhất giúp tiếp sức cho các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Kỳ lưu ý.Đúng như những gì doanh nghiệp băn khoăn, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – tổ chức đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, năm 2022, mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% năm sẽ đầy thách thức.
Song, Chủ tịch Phạm Tấn Công cũng tin tưởng rằng, với việc thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần khôi phục chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế trước nguy cơ đứt gãy do dịch bệnh COVID-19 cùng những biến động khó lường của xung đột thương mại và thiên tai. Khi khôi phục được chuỗi cung ứng sẽ là nền tảng quan trọng để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng được khôi phục. Chương trình sẽ là cơ hội hiếm có để giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ góc độ nghiên cứu, bản tin cập nhật tình hình kinh tế tháng 2/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố mới đây cũng ghi nhận và đánh giá cao việc khởi động Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 với mức dự chi trong phạm vi ngân sách khoảng 4,5% GDP.Các biện pháp như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất hay giảm 2% thuế giá trị gia tăng phải nộp Nhà nước và việc hạ lãi suất vay ngân hàng, thúc đẩy chi đầu tư công cho các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án mới trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đảm bảo việc làm, chuyển đổi số, du lịch và thích ứng với biến đổi khí hậu… chắc chắn sẽ đem lại nhiều hiệu ứng tích cực và phần nào thỏa mãn lòng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của đại diện WB, dự chi hỗ trợ bằng tiền cho người lao động chỉ ở mức 0,1% GDP thì không đáng kể. Với hình thức hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà và dự kiến khoảng 4 triệu người lao động sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, song phải đáp ứng đủ các điều kiện, thì theo WB, đây chỉ là chính sách ưu đãi nhỏ để người lao động có thể quay lại và tiếp tục sinh sống tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vực kinh tế trọng điểm. Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế - xã hội cần tăng thêm các biện pháp hỗ trợ và mức tiền hợp lý để giúp người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống. WB cũng lưu ý, để đảm bảo chương trình phục hồi sớm phát huy hiệu quả và tác động tích cực tới nền kinh tế như kỳ vọng, công tác triển khai cần phải được theo dõi chặt chẽ với sự giám sát của các cấp chính quyền và kể cả của người dân. Có thể thấy rằng, hơn lúc nào hết, những động thái chính sách kịp thời của Chính phủ đang tác động tích cực tới niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; giúp tạo nên sự lạc quan và thúc đẩy ý chí, nỗ lực ở từng cá nhân và tập thể để họ nhanh chóng ổn định công việc kinh doanh và cuộc sống hàng ngày trong bối cảnh mới, trong tình hình và điều kiện mới khi phải chấp nhận sống chung cùng dịch bệnh. Giai đoạn khó khăn nhất sẽ nhanh chóng qua đi. Khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 sẽ nằm trong tầm tay khi toàn hệ thống chính trị, từ người dân, tới doanh nghiệp và Chính phủ cùng chung ý chí và quyết tâm thực hiện./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hà Nội đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế
14:49' - 07/02/2022
Ngày 7/2, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp nghe báo cáo về tình hình chung, cũng như công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
-
Kinh tế Việt Nam
Một loạt giải pháp được triển khai để phục hồi kinh tế, mở cửa du lịch
14:16' - 04/02/2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào để nhanh chóng phục hồi kinh tế?
19:28' - 29/01/2022
Nỗ lực phòng chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững
Tin cùng chuyên mục
-
Thời sự
Fed cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp
03:14' - 19/12/2024
Ngày 18/12, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ ba liên tiếp kể từ tháng 9/2024.
-
Thời sự
Số dự án FDI tại Bắc Ninh ước tăng 2,9%
08:30' - 05/12/2024
Năm 2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bắc Ninh dự kiến tăng 2,9% về số dự án cấp mới, tăng 70,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
-
Thời sự
Bắc Ninh có số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao
15:43' - 03/12/2024
Năm 2024, Bắc Ninh đổi mới mạnh mẽ các phương thức để đem lại hiệu quả trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao vị thế của tỉnh.
-
Thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy
13:02' - 01/12/2024
Tổng Bí thư yêu cầu, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ