Giải pháp nào để nhanh chóng phục hồi kinh tế?

19:28' - 29/01/2022
BNEWS Nỗ lực phòng chống dịch đi đôi với phục hồi kinh tế nhanh và phát triển bền vững
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp Chính phủ tháng 1 năm 2022. Ảnh: Dương Giang-TTXVN 
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022 được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh và tình hình biến động quốc tế, khu vực.

Điều đó đòi hỏi các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là; đồng thời, phải khẩn trương, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch đã đề ra ngay từ đầu năm, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2022, tạo nền tảng, động lực cho phục hồi và phát triển của cả giai đoạn 2021-2025.

* Điểm sáng bức tranh kinh tế đầu năm

Nhìn vào những thành quả đã đạt được trong năm qua và kết quả khả quan về tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2022 mà đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và báo cáo, Chính phủ ghi nhận, việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả"; đồng thời, việc tiêm chủng vaccine thần tốc đã tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức trở lại.

Nhờ đó, dần lấy lại trạng thái bình thường, sản xuất kinh doanh, dịch vụ phục hồi mạnh và nhanh; sức tiêu dùng của người dân tăng cao; giải ngân đầu tư công đạt kết quả ấn tượng. An sinh, an toàn, an dân được bảo đảm, tạo khí thế phấn khởi, gia tăng niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, việc sớm ban hành và triển khai các nghị quyết như Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 cùng với Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 của Chính phủ đã tạo nên động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Bức tranh chung của nền kinh tế cũng đang dần tươi sáng hơn, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Ngân sách Nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ chi.

Ước tính đến 31/01/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2022 tiếp tục tăng. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tháng 1 cũng ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

* Giải pháp nhanh chóng phục hồi kinh tế 

Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo hướng tháng 2 cần tốt hơn tháng 1, năm 2022 tốt hơn năm 2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, bộ đã báo cáo Chính phủ nhóm các giải pháp đồng bộ.

Đặc biệt, ngay tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, dự thảo Nghị quyết Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội với tổng giá trị 350.000 tỷ đồng đã được lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và dự kiến ban hành trước Tết Nguyên đán.

Tại Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 5 nhóm giải pháp. Trước tiên là mở cửa kinh tế gắn với đầu tư, nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh. Giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, việc làm cho công nhân tại các khu công nghiệp, vùng trọng điểm được hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội... cũng được nhấn mạnh trong dự thảo Nghị quyết lần này.

Giải pháp về hỗ trợ phục hồi hộ kinh doanh, gồm miễn giảm tiền thuê đất, cho vay hỗ trợ lãi suất trong một số ngành, lĩnh vực...

Nghị quyết cũng nêu loạt giải pháp về đầu tư phát triển hạ tầng như đầu tư nguồn lực để hoàn thành dứt điểm 12 tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức đầu tư công.

Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh các bộ, ngành cần vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ ngay trong quý I năm nay để kịp giải ngân gói hỗ trợ phục hồi.

Nhắc tới Chương trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế nói riêng hay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nói chung cần được triển khai đủ mạnh, trúng và đúng. Chính phủ cần phải quản trị được rủi ro từ các chính sách và thực hiện đúng đối tượng, trúng mục tiêu.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực thi tốt chương trình này, nền kinh tế có thể được hỗ trợ thêm từ 1 - 1,5 điểm %.

Đánh giá tình hình kinh tế tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có những khó khăn, thách thức như kinh tế vĩ mô còn rủi ro, áp lực lạm phát đến từ cả bên trong và bên ngoài. Một số hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tháng 1 ở mức cao. Xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm còn khó khăn.

Nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, trong khi chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và tiết kiệm. Bên cạnh đó đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đầu tư công và tài nguyên môi trường, đặc biệt là trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, nhất là các dự án quan trọng, cấp thiết, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư với các dự án khởi công mới.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế trong sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tín dụng đúng hướng, Bộ Tài chính kiểm soát việc thực hiện chính sách tài khóa có hiệu quả.

Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm cung – cầu hàng hóa, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định.

"Các bộ, ngành luôn luôn chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để tham mưu, điều chỉnh chính sách kịp thời khi xuất hiện tình huống không bình thường", Thủ tướng lưu ý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục