Chương trình Ví số 10.000 baht Thái Lan cho phép đăng ký từ ngày 1/8

07:25' - 18/07/2024
BNEWS Chương trình Ví số 10.000 baht là một trong những cam kết của đảng cầm quyền Vì nước Thái (Pheu Thai) trong cuộc vận động bầu cử trước đây.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin mới đây cho biết chương trình Ví số 10.000 baht - sáng kiến tặng tiền số cho công dân Thái Lan trên 16 tuổi - sẽ sẵn sàng triển khai sau khi tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn được hoàn tất.

Trong một bài đăng trên trang X, ông Srettha tiết lộ những người đủ điều kiện tham gia chương trình này có thể bắt đầu tự đăng ký vào ngày 1/8. Ông cũng cho biết thêm Ủy ban ví số quốc gia đã họp vào sáng cùng ngày để chuẩn bị những bước cuối cùng cho việc đăng ký người nhận và các cửa hàng tham gia. Các cơ quan chính phủ liên quan sẽ được giao thực hiện các hoạt động cần thiết để khởi động dự án, bao gồm đặt ra những điều kiện cho người nhận và các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng.

 
Bài đăng của Thủ tướng Srettha khẳng định “Ví số là một dự án lớn của chính phủ nhằm bổ sung tiền vào túi người dân, doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế. Vì sự thận trọng về mặt pháp lý và kỹ thuật cũng như bảo mật của người dùng, việc triển khai dự án cần có thời gian. Nhưng sự chờ đợi này chắc chắn không phải là vô ích”.

Trong khi đó, bà Irada Luangwilai, Phó giám đốc Cơ quan phát triển chính phủ số (DGA), cho biết ứng dụng Thang Raj (Con đường của Chính phủ) hiện đã sẵn sàng để người nhận ví số đăng ký.

Bà Irada nói thêm rằng DGA đã làm việc trên ứng dụng này được 3 năm đến 4 năm và ứng dụng có thể được tải xuống trên điện thoại thông minh iOS thông qua App Store và trên điện thoại thông minh Android thông qua Google Play.

Theo yêu cầu, người đủ điều kiện nhận khoản trợ cấp số 10.000 baht (276,8 USD) phải đủ 16 tuổi trước ngày 30/9 và không có nhiều hơn 500.000 baht trong tài khoản ngân hàng. Bên cạnh đó, thu nhập theo hồ sơ thuế của họ trong năm 2023 cũng không vượt quá 840.000 baht.

Chương trình Ví số 10.000 baht là một trong những cam kết của đảng cầm quyền Vì nước Thái (Pheu Thai) trong cuộc vận động bầu cử trước đây. Đây cũng là biện pháp ưu tiên mà Thủ tướng Srettha lựa chọn triển khai để vực dậy nền kinh tế Thái Lan đang tăng trưởng trì trệ, bên cạnh các biện pháp như giảm giá nhiên liệu, hoãn nợ cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn.

Tuy nhiên, chương trình cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là những nghi ngại về nguồn tài chính tài trợ cho chương trình được dự kiến tiêu tốn tới 500 tỷ baht, kế hoạch phân phát tiền cũng như cách thức khoản tiền này được sử dụng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục