Chuyển biến bước đầu về phương án khôi phục sản xuất cho doanh nghiệp ở Cần Thơ

19:36' - 28/09/2021
BNEWS Tính đến ngày 26/9, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 118 doanh nghiệp công nghiệp quay lại hoạt động, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 189 doanh nghiệp

 

Thực hiện Kế hoạch số 190/KH-UBND và Phương án số 01 của UBND thành phố Cần Thơ ngày 16/9/2021 về kế hoạch, lộ trình khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh COVID -19 và Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 25/9/2021 của UBND thành phố Cần Thơ về quản lý, điều hành của thành phố đảm bảo việc phòng, chống dịch COVID -19 và khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang khẩn trương xây dựng các phương án và quay trở lại hoạt động.     

Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, qua gần nửa tháng triển khai thực hiện, các sở, ngành đã ban hành hướng dẫn để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, phương án hoạt động an toàn trong điều kiện đảm bảo phòng chống dịch. Từng quận, huyện, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch và phương án để khôi phục sản xuất, kinh doanh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 26/9, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 118 doanh nghiệp công nghiệp quay lại hoạt động, nâng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 189 doanh nghiệp, đồng thời có 134 doanh nghiệp gửi phương án để sản xuất trở lại, có 61 doanh nghiệp đã được thẩm định đạt, 44 phương án đang được hướng dẫn thực hiện và 29 phương án đang thẩm định.

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý khu công nghiệp Cần Thơ, tính đến ngày 27/9, đơn vị đã nhận được 64 hồ sơ của doanh nghiệp xin hoạt động trở lại. Đơn vị đã thẩm định 60 hồ sơ và chấp thuận cho 40 doanh nghiệp hoạt động trở lại và hướng dẫn bổ sung cho 20 doanh nghiệp, còn 4 doanh nghiệp đang tiếp tục thẩm định. Đến ngày 27/9 có 53 doanh nghiệp hoạt động trở lại tại các khu công nghiệp với tổng số lao động tham gia là 6.414 lao động theo phương án "vừa cách ly vừa sản xuất", "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến"...

Theo ông Phạm Duy Tín, thuận lợi hiện nay đó là đa số doanh nghiệp mong muốn được trở lại sản xuất sau hơn 2 tháng tạm dừng hoạt động và có ý thức phòng, chống dịch tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là việc thực hiện phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất" một số doanh nghiệp không đủ điều kiện tổ chức thực hiện do diện tích mặt bằng, chổ ăn, ở không đảm bảo theo quy định. Doanh nghiệp phải lo cho công nhân ăn 4 bữa/ngày và hỗ trợ cho công nhân từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng, chi trả tiền test COVID-19 3 ngày/lần..., do đó dẫn đến gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất", người lao động chỉ tham gia tối đa từ 20 - 30% do không đủ chỗ ăn, ở và sinh hoạt. Công nhân bị tù túng không thoải mái.

 

Mặt khác, chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất chưa được khắc phục kịp thời do một số tỉnh xung quanh Cần Thơ vẫn còn thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc vận chuyển hàng hóa còn gặp khó khăn, đội ngũ nhân công bốc xếp nghề cá cần số lượng đông người nên còn gặp khó khăn.

Vì vậy, Ban Quản lý khu công nghiệp Cần Thơ sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong khu công nghiệp xây dựng phương án khôi phục sản xuất với phương châm "sản xuất an toàn, an toàn mới sản xuất"  và sẽ có lộ trình cụ thể. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các phương án hay, phương án mới và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố thực hiện thí điểm, khi nào thực hiện thí điểm thành công sẽ triển khai mở rộng.

Ban Quản lý khu công nghiệp thành phố cũng sẽ phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật- CDC Cần Thơ thành lập Tổ phản ứng nhanh phòng, chống COVID -19 tại các khu công nghiệp để khi mở rộng sản xuất có rủi ro thì đã có lực lượng phản ứng nhanh, hiệu quả.

Ban cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Hướng dẫn "sản xuất an toàn, an toàn sản xuất" trong tình hình các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất như hiện nay để thay thế cho Quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành "hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID -19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp" đang bộc lộ nhiều bất cập, gây tốn kém nhiều chi phí của doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị UBND thành phố chủ trì phối hợp với các tỉnh để khôi phục chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất, sớm tiêm vắc xin cho công nhân và người lao động tham gia sản xuất...

Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ hiện trên địa bàn thành phố có 101/920 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp do Sở Công Thương quản lý thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất đang hoạt động, chiếm 10,98% với tổng số lao động là 4.242 lao động, chiếm 14,38%. Doanh nghiệp sản xuất trên 100 lao động ngoài khu công nghiệp còn hoạt động là 17 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 45,9%, tạm ngưng hoạt động là 20 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 54%,     

Hiện ngành công thương thành phố đang tích cực phối hợp với các sở ngành chức năng và địa phương mở lại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Theo đó, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Công Thương Cần Thơ đã ban hành hướng dẫn tạm thời phương án đảm bảo sản xuất an toàn trong phòng chống dịch và tích cực phối hợp với các địa phương để nhanh chóng khởi động lại đối với các doanh nghiệp có phương án sản xuất tốt, đảm bảo phòng chống dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục