Chuyển dịch năng lượng vẫn đối mặt với thách thức thể chế và tài chính

11:30' - 28/07/2025
BNEWS Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 sáng 28/7 nhận định việc chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức, nhất là khoảng trống thể chế và rào cản tài chính.
Sáng 28/7, Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 do Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động”. Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và tăng cường năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng xanh.

 
Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong và ngoài Petrovietnam, Hội Dầu khí Việt Nam đều thống nhất việc chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức trong huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là khoảng trống thể chế và rào cản tài chính. Ba điểm nghẽn chính được chỉ ra gồm: cơ chế giá điện chưa phản ánh đúng rủi ro và chi phí đầu tư; hợp đồng mua bán điện (PPA) thiếu cam kết bao tiêu, bảo lãnh ngoại tệ; và thiếu khung pháp lý cho tài chính xanh, thị trường carbon.

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định, diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động” nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái năng lượng an toàn, hội nhập, tạo điều kiện để doanh nghiệp – đặc biệt là Petrovietnam – phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều kiến nghị của Hội Dầu khí Việt Nam đã được tiếp thu, phản ánh trong các văn bản chính sách như Luật Dầu khí sửa đổi (2022), Luật Điện lực sửa đổi (2024), Nghị định số 56/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 3/3/2025, Quy đinh chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực và mới nhất là Nghị định 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.

Tuy nhiên, các điều chỉnh này vẫn chưa đủ để tháo gỡ toàn diện các điểm nghẽn trong đầu tư và vận hành các dự án năng lượng, trong đó có các dự án điện khí – LNG theo Quy hoạch điện VIII như: Khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA); chưa có cơ sở pháp lý để bảo lãnh thay thế bảo lãnh chính phủ trong việc vay vốn, thu xếp vốn cho các dự án điện BOT, IPP; chưa có cơ chế bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí - LNG; chưa đồng bộ và thiếu quy hoạch và quy hoạch chi tiết hệ thống từ kho cảng, hệ thống hạ tầng, tồn trữ LNG, nhà máy điện, đến lưới truyền tải và phân phối; cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu, tồn trữ LNG chưa thống nhất.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, nhu cầu tài chính cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có thể lên tới hơn 135 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, trong đó khoảng 75% cần đến từ khu vực tư nhân. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh khung thể chế đầu tư - tài chính cho năng lượng xanh còn nhiều vướng mắc, từ quy trình phê duyệt dự án, cấp bảo lãnh đến cơ chế giá, chia sẻ rủi ro...

Là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai dự án điện khí Nhơn Trạch 3&4 phải vay vốn nước ngoài mà không có bảo lãnh Chính phủ, ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power)-thành viên của Petrovietnam cho biết, hiện nay Chính phủ không còn bảo lãnh cho các dự án đầu tư nên đây cũng là khó khăn với nhiều doanh nghiệp trong đảm bảo nguồn vốn để triển khai các dự án trong tiến trình chuyển dịch năng lượng.

Theo ông Nguyễn Trung Khương - Ban Chiến lược Petrovietnam, việc thu xếp vốn đầu tư khổng lồ cho chuyển dịch năng lượng đang là thách thức lớn với Petrovietnam. Để tham gia vào các lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, sản xuất Hydrogen, Amonia xanh hay phát triển điện hạt nhân, Petrovietnam phải đối mặt với một yêu cầu về vốn đầu tư khổng lồ, với suất đầu tư rất lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài. Việc huy động, sắp xếp và tối ưu hóa các nguồn vốn này trong bối cảnh cạnh tranh và các quy định tài chính hiện hành là một thách thức vô cùng lớn. Trong khi đó, khung pháp lý chậm thích ứng với các lĩnh vực năng lượng mới.

Để tháo gỡ các vướng mắc về tài chính, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng cần có cơ chế thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chuyển dịch năng lượng, trong đó có cơ chế đối tác công tư. Hiện tổng nguồn cho chuyển đổi xanh từ hệ thống ngân hàng chỉ chiếm con số rất thấp là 4,36% nên phải có định chế đặc biệt. Theo ông Hiển, nếu cứ tiếp cận thông thường như hiện nay sẽ rất khó bởi vấn đề lợi ích là mấu chốt để thu hút khối tư nhân. Bên cạnh đó, phải cải cách thị trường điện, cơ chế mua bán điện, giá điện, giải quyết các vấn đề tồn đọng từ bán buôn đến bán lẻ…”Không thể có một chính sách có thể giải quyết mọi vấn đề. Đối tượng yếu thế cần có chính sách hỗ trợ riêng, còn giá điện phải dần tiệm cận giá thị trường”, ông Hiển khẳng định.

Tại diễn đàn, các đại biểu tham gia diễn đàn cũng kiến nghị luật hóa tài chính xanh, chuẩn hóa định mức đầu tư cho công nghệ mới, thiết kế hợp đồng mua bán điện (PPA) linh hoạt theo vùng – công nghệ – quy mô, với các dự án trọng điểm cần có giá tham chiếu sát thực tế và cơ chế bao tiêu rõ ràng. Nhiều đơn vị thành viên Petrovietnam kiến nghị hoàn thiện đồng bộ cơ chế giá điện, PPA, tín chỉ carbon và hạ tầng dịch vụ, nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả, bền vững. Chính phủ cũng cần xây dựng bộ định mức đầu tư theo công nghệ mới để hỗ trợ đánh giá tín dụng, rủi ro; tăng cường vai trò điều phối của Nhà nước thông qua định chế tài chính công và cơ chế bảo lãnh rủi ro cho các dự án năng lượng mới.

Đặc biệt, việc sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà máy điện khí LNG và khách hàng tiêu thụ lớn nhằm tháo gỡ nút thắt bao tiêu mua điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các Bộ ngành đối với các dự án điện BOT, nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng có cơ sở cáo bạch nguồn năng lượng tạo ra sản phẩm vủa họ (tương tự như xuất sứ hàng hóa). Cơ chế này đặc biệt quan trọng với các nhà máy điện khí LNG quy mô lớn – vốn cần sự cam kết bao tiêu điện từ các khách hàng công nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn điện sạch, ổn định và đạt tiêu chuẩn quốc tế cho sản xuất xuất khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục