Chuyển đổi số cơ sở hạ tầng đường sắt

19:20' - 06/05/2025
BNEWS Chuyển đổi số cơ sở hạ tầng đường sắt hướng tới mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các bên tư vấn, nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, cơ quan quản lý và vận hành công trình.

Vậy, làm thế nào để chuyển đổi số hạ tầng đường sắt là nội dung được bàn thảo tại Tọa đàm với chủ đề “Các vấn đề tiêu chuẩn cho đường sắt hiện đại – Nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới” do Trường Đại học Giao thông vận tải (UTC) tổ chức hôm nay (6/5).

Theo các chuyên gia, để áp dụng chuyển đổi số trong ngành xây dựng công trình giao thông, mô hình thông tin công trình (BIM) là một giải pháp và trong lĩnh vực đường sắt không phải là ngoại lệ.

Mô hình BIM là quá trình sử dụng công nghệ thông tin để số hóa toàn bộ thông tin của một công trình, thể hiện qua mô hình không gian ba chiều (3D) chi tiết. Mô hình số này không chỉ chứa dữ liệu hình học mà còn bao gồm thông tin phi hình học, hỗ trợ hiệu quả các giai đoạn từ thiết kế, thi công đến quản lý vận hành. BIM thúc đẩy sự phối hợp giữa các bên liên quan, tối ưu hóa quản lý dự án và vòng đời công trình.

Theo ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng – Kỹ thuật biển (PORTCOAST), việc áp dụng BIM, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và dữ liệu số hoá trong thiết kế, thi công và vận hành công trình giao thông sẽ thúc đẩy hiệu quả đầu tư và nâng cao chất lượng kỹ thuật trong ngành đường sắt.

 

“Việc chuyển đổi số cơ sở hạ tầng đường sắt nhằm bảo đảm mục tiêu quản lý tài sản, giám sát thi công, ứng dụng công nghệ số, quy trình kiểm soát rủi ro trong thi công hạ tầng từ cầu, hầm, nhà ga... Những công trình ứng dụng mô hình BIM từ giai đoạn thiết kế để phát hiện xung đột sớm, tránh rủi ro trong thi công, cho phép chủ đầu tư theo dõi trực tiếp tiến độ từ xa”, Chủ tịch Trần Tấn Phúc chia sẻ.

Phó cục trưởng Bùi Văn Dưỡng, Cục Kinh tế và Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo nghị định áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) trong xây dựng đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. Theo đó, thiết kế FEED được xây dựng trên nguyên tắc áp dụng BIM, khuyến khích tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống quản lý tin tức (AIM), bản sao kỹ thuật số (Digital Twin).

Hiện hướng dẫn áp dụng BIM đã được quy định trong Quyết định 348/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về công bố hướng dẫn chung áp dụng mô hình BIM; Quyết định 347/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng công bố hướng dẫn chi tiết áp dụng mô hình BIM đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 14177-1:2024 cũng quy định về tổ chức và số hóa thông tin về công trình xây dựng, bao gồm mô hình BIM - quản lý thông tin sử dụng mô hình hóa thông tin công trình.

Tại các công trình xây dựng và giao thông, BIM đang được triển khai dưới dạng mô hình thông tin dự án (PIM); mô hình thông tin tài sản (AIM); và môi trường dữ liệu chung (CDE).

Đơn cử, như tuyến Metro số 1 TP. Hồ Chí Minh, mã tài sản, thiết bị được tích hợp trực tiếp vào mô hình BIM – GIS, từ đó theo dõi thiết bị, lịch sử bảo trì, tối ưu quản lý tài sản và vận hành thời gian qua.

Cũng trong khuôn khổ toạ đàm, Trường Đại học Giao thông vận tải đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải; Công ty cổ phần Đầu tư Phan Vũ.

Theo thỏa thuận vừa ký kết, Trường Đại học Giao thông vận tải cùng các đối tác sẽ hợp tác tiến đến làm chủ công nghệ chiến lược trong việc thiết kế, chế tạo, kiểm thử và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm phương tiện đường sắt, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển đường sắt cao tốc và đô thị.

Thông qua việc khai thác thế mạnh của mỗi bên, hợp tác nhằm xây dựng mô hình tích hợp giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo chuyên sâu và triển khai sản xuất thực tiễn. Nhà trường đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu nền tảng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các đối tác là đầu mối ứng dụng, triển khai sản xuất, vận hành, tổ chức. Từ đó tạo thành chuỗi liên kết khép kín, hiệu quả và có chiều sâu, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục