Chuyển đổi số để định vị thương hiệu

08:11' - 16/02/2023
BNEWS Muốn là thành viên của chuỗi cung ứng thì bản thân doanh nghiệp cũng phải cung ứng thông tin chung để đảm bảo tất cả chuỗi nắm được từng thành phần.

Trước khi tiếp cận với chuyển đổi số, hầu hết doanh nghiệp đều đặt vấn đề về "chuyển đổi số thế nào và lợi ích mang lại của nó". Với dệt may, một ngành phụ thuộc lớn vào nguồn lao động, vấn đề này lại càng được quan tâm.

Các chuyên gia và doanh nghiệp ngành này đều cho rằng, chuyển đổi số là xu thế và giúp nâng cao hiệu quả làm việc song con đường vẫn còn rất chông gai.

Ngôn ngữ chung

 

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, hiện phương thức hoạt động chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu có 5 khu vực: nhà cung cấp, nguồn cung ứng, hàng tồn kho, kết nối chuỗi và thu hồi tuần hoàn sản phẩm.

Việt Nam đang chủ yếu tập trung sản xuất là chính. Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trước đây khi chưa thực hiện chuyển đổi số, gần như mọi hoạt động là thủ công, quá trình số hóa gần như để "trắng".

Vinatex đã quyết định số hóa ở ngành sợi đầu tiên, áp dụng thử nghiệm từng bước. Đây là ngành có năng lực, lợi thế cạnh tranh nhất, với quy mô 1 triệu cọc sợi, số hóa sâu sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển thị trường, khách hàng cao cấp. Ngành sợi cũng liên tục đầu tư trang thiết bị công nghệ, tổng thể thiết bị không lạc hậu. Hiện ngành sợi Vinatex đã hình thành dữ liệu chung, mục tiêu thời gian tới là dữ liệu được đưa lên tự động.

Số hóa đồng nghĩa với việc thông tin sẽ được chia sẻ công khai trên hệ thống. Đây cũng là rào cản khiến cho nhiều doanh nghiệp e ngại khi thực hiện số hóa sâu. Theo đại diện Vitas, dữ liệu sản xuất được coi là tài sản riêng của mỗi doanh nghiệp, không thể cung cấp cho doanh nghiệp khác biết. Đây cũng là tâm lý và cũng là rào cản lớn khi chuyển đổi số.

Trước đây, khách hàng chấp nhận về giá thì mua còn doanh nghiệp không phải cung cấp hay trả lời về quy trình, công khai chi phí. Nhưng hiện nay, thị trường đã thay đổi, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không chấp nhận việc mua sản phẩm mà không rõ cấu trúc chi phí, nguồn gốc, không rõ vấn đề trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của sản phẩm, của doanh nghiệp.

Nhưng hiện nay, trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thế giới muốn biết doanh nghiệp sản xuất thế nào, size sản xuất và số lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm tối đa lượng tồn kho toàn chuỗi, ông Vũ Đức Giang, đại diện Vitas cho hay.

Định vị bản thân doanh nghiệp

Báo cáo từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, ở các dự án đầu tư mới, Vinatex đã nghiên cứu đặc điểm tình hình tại Công ty CP Sợi Phú Bài và Tổng công ty CP Phong Phú để từ đó thực hiện chuyển đổi số.

Ở Sợi Phú Bài, với dự án mới, toàn bộ thiết bị, sản phẩm được luân chuyển giữa các bước công nghệ bằng dàn treo, robot, công nhân đi lại bằng xe điện, số hóa và quản lý tập trung điều khiển, kết nối hệ thống kiểm tra chất lượng toàn cầu, có khả năng cung cấp sản lượng và chất lượng theo thời gian thực cho khách hàng trong chuỗi cung ứng, tiết kiệm chi phí lao động bằng 120% chi phí khấu hao tăng thêm.

Cũng vậy, tại Tổng công ty CP Phong Phú gồm 4 nhà máy sợi đều có hơn 10 năm tuổi, sản xuất phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, áp lực về cung ứng dữ liệu theo ngày về sản xuất, chất lượng, tồn kho là rất thách thức. Để thực hiện chuyển đổi số, số hóa thông tin, doanh nghiệp đã lắp sensor cảm biến vào 100% máy cũ, lấy tín hiệu sản xuất ra dạng số, tự phát triển bộ đọc chuyển đổi dữ liệu, kết nối và viết ứng dụng quản lý dữ liệu sản xuất, giá thành, chế độ công nghệ; trích xuất và cung cấp hàng ngày dữ liệu yêu cầu cho chuỗi cung ứng.

Đại diện Vinatex cho hay, sau hơn 2 năm ứng dụng và nghiên cứu chuyển đổi số, tập đoàn thấy đây là lĩnh vực khó, phức tạp, thách thức về trí tuệ, cách chọn bước đi và cách làm cho hợp lý. Việc chuyển đổi số không phải là có sẵn một bộ giải pháp, doanh nghiệp chỉ cần ứng dụng hoặc làm theo.

Muốn là thành viên của chuỗi cung ứng thì bản thân doanh nghiệp cũng phải cung ứng thông tin chung để đảm bảo tất cả chuỗi nắm được từng thành phần, đại diện Vinatex cho hay.

Ngoài ra, theo ông Lê Tiến Trường, mục tiêu của chuyển đổi số tại Vinatex là đảm bảo gia nhập và đạt vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng khả năng phát triển bền vững. Quá trình chuyển đổi số cũng rất cần các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách về tài sản số, hỗ trợ tài chính khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi số, lãnh đạo Vinatex chia sẻ.

Cũng theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, hiện nay, tại các nhà máy sản xuất đang áp dụng Hệ thống phần mềm kết nối lấy dữ liệu từ các thiết bị ở tất cả các công đoạn trên chuyền may và tổng hợp dữ liệu trên toàn nhà máy. Hệ thống thông minh có thể kiểm soát các thông số làm việc của thiết bị, hiệu suất làm việc theo thời gian thực, giúp cho người quản lý có thể nắm được tình hình sản xuất, giúp cân bằng chuyền, bố trí lao động và thiết bị.

"Đầu tư cho chuyển đổi số là rất lớn, không chỉ chi phí về đầu tư thiết bị, công nghệ, hạ tầng mà còn đầu tư về thời gian, nguồn nhân lực. Nhưng May 10 xác định đầu tư là cho tương lai, là phù hợp với xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới, May 10 là đơn vị sản xuất, kinh doanh xuất khẩu có nhiều đối tác, bạn hàng từ nhiều quốc gia trên thế giới, không thể đứng ngoài mối liên kết đó. Chuyển đổi số vừa giúp quản lý sản xuất của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng định vị doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Thân Đức Việt nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục