Chuyển đổi số để doanh nghiệp trụ vững và phát triển

20:58' - 31/12/2021
BNEWS Theo các chuyên gia, để khôi phục và ổn định sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải tăng cường sử dụng công nghệ số để có thể trụ vững và phát triển.

 

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp đối mặt với thách thức về thiếu hụt lực lượng lao động cũng như sụt giảm doanh số bán hàng. Để khôi phục và ổn định sau đại dịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải tăng cường sử dụng công nghệ số để có thể trụ vững và phát triển.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia dành cho doanh nghiệp nông thủy sản, đặc biệt, là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

*Thay đổi để sinh tồn

Hai năm trở lại đây dịch COVID-19 bùng phát là quãng thời gian thử thách khiến doanh nghiệp phải thay đổi hình thức kinh doanh để thích nghi và sinh tồn.

Là doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến, phân phối các sản phẩm về thủy sản; trong đó chủ lực là cá thác lác. Trước những khó khăn do đại dịch, doanh nghiệp Cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa (Phạm Nghĩa Food), thành phố Cần Thơ đã có những ứng biến kịp thời trong khoảng thời gian dịch bệnh khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, dịch bệnh cũng làm tổn thất rất nhiều lao động của doanh nghiệp vì thế để ứng biến với sự thay đổi này, Phạm Nghĩa Food đã áp dụng máy móc, công nghệ thay cho lượng nhân sự đã bị thiếu để làm sao tăng được năng suất. Đồng thời, công ty này cũng đầu tư vào công nghệ hiện đại Nhật Bản để tạo ra những sản phẩm mới.

Sản xuất ra hàng hóa nhưng tìm đầu ra là điều cực kỳ quan trọng mà hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp phải. Vì vậy, Phạm Nghĩa Food thích ứng bằng cách cố gắng khai thác và bán hàng đa kênh, nhất là bán hàng trực tuyến chứ không tập trung ở những kênh truyền thống.

Đối với khách hàng cũ, công ty bắt đầu liên hệ và chăm sóc qua các phương tiện trực tuyến để đồng hành cùng khách hàng và cùng các đối tác duy trì kinh doanh xuyên suốt.

Theo bà La Mỹ Tiên, Phòng kinh doanh, Công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa, chuyển đổi số và áp dụng bán hàng trực tuyến đã được công ty áp dụng và xem xét trong những giai đoạn trước dịch.

Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh làm cho công ty nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số vì mọi việc đều phải thông qua hình thức online như Google, Youtube, Facebook, Website,... để có thể tiếp cận nhiều hơn với khách hàng trong giai đoạn này.

Hiện công ty đang tối ưu hóa thông qua kênh Facebook để có thể tiếp cận gần nhất với khách hàng ở thời điểm hiện tại: đăng công khai những giá bán sản phẩm để khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp và mua hàng trực tiếp; chạy quảng cáo sản phẩm. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức livestream trên Facebook thực phẩm đông lạnh để có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng, thu hút được các đơn hàng từ khách hàng.

"Mặc dù, thời gian về sau dịch bệnh có thể hạ nhiệt nhưng các kênh bán hàng trực tuyến sẽ không giảm so với thời điểm dịch bệnh". Bà La Mỹ Tiên nhận định.

Theo khảo sát của Tập đoàn Facebook (nay là Tập đoàn Meta) 94% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam Nam cho rằng, các công cụ kỹ thuật số tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh trong đại dịch;  46% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đạt 25% doanh số bán hàng trực tuyến.

Bà Vân Lê, Quản lý chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, Tập đoàn Meta cho biết, mặc dù, người tiêu dùng hết sức cẩn trọng trong chi tiêu trong đại dịch.

Nhưng các khảo sát cho thấy sức mạnh của người tiêu dùng ngày càng tăng, mức chi tiêu trực tuyến tăng. Các mặt hàng được mua nhiều là các mặt hàng thiết yếu như đồ uống không cồn, cà phê, gạo, bánh được người tiêu dùng mua sắm khoảng 2 - 3 lần/tháng. 

Đại dịch dẫn đến dịch chuyển hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Ở Việt Nam, khoảng 49% người tiêu dùng Việt xem nền tảng trực tuyến là kênh mua hàng được sử dụng nhiều và 22% người tiêu dùng nói rằng họ mua hàng trực tuyến chủ yếu trong năm vừa qua. Đây là sự tăng trưởng lên đến 1,2 lần so với năm 2020.

*Chuyển mình đổi mới

Theo thống kê tăng trưởng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể năm 2020 thì ngành nông thủy sản thuộc top 3 các ngành giải thể ở Việt Nam với 7,7%. Sức cạnh tranh thủy hải sản xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long lớn, chỉ số giá xuất khẩu đã sụt giảm trong những năm gần đây cho thấy tiềm năng khai thác cũng như tài nguyên, các mặt hàng chế biến đơn giản tỏ ra hụt hơi.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho rằng, nếu như ngành nông thủy sản không có những đổi mới về áp dụng công nghệ cũng như trong quản trị thì sẽ khó bền vững. Những thách thức đối với ngành nông nghiệp cho thấy chuyển đổi số hóa được xem là quan trọng.

Để chuyển đổi số hóa, Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có một lợi thế hạ tầng internet ở mức bình quân cao hơn bình của Việt Nam và gần đây các ứng dụng Facebook và các ứng dụng số hóa trên nền tảng mobile được xem là một trong những lợi thế.

Tuy nhiên, theo xếp hạng mới nhất của thương mại điện tử Việt Nam về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử, tính thuận tiện trong quá trình chuyển đổi số, nhân sự chuyên trách, cơ cấu đầu tư cho nhân lực về thương mại điện tử, cơ cấu mức độ lao động thường xuyên có thể sử dụng những những công cụ hỗ trợ đơn giản như Viber,  Facebook, Messenger, Zalo,... thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có thành phố Cần Thơ, Long An và Bến Tre nằm trong top 30 của cả nước; các tỉnh còn lại với những lợi thế về sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu như An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau và Sóc Trăng thì nằm dưới mức trung bình có cả nước.

Theo bà Võ Thị Thu Hương, Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những cơ hội được tạo ra từ các Hiệp định Thương mại đa phương thế hệ mới. Theo quan sát, ít nhất trong 3 đến 5 năm tới, các ngành hàng lợi thế của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được áp thuế suất bằng 0 sẽ đem lại sự lớn mạnh của các ngành công nghiệp dịch vụ như ngân hàng tín dụng, logistics,...

Các cơ hội và thách thức đặt ra cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần có những tính toán về các giải pháp, quản trị trong nền kinh tế số để có thể thúc đẩy nhanh hơn, đáp ứng những thay đổi về khó khăn trong vùng kinh tế.

Công nghệ số có thể giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thay đổi tiềm năng kinh doanh trên quy mô rộng lớn. Các nền tảng mạng xã hội sẽ đem lại cơ hội tiếp cận cho mọi trình độ, phá bỏ rào cản cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh thương mại tự do thế hệ mới, có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho doanh nghiệp như cách thức thay đổi thị trường, thay đổi khách hàng, thay đổi nhà phân phối, thay đổi đối thủ cạnh tranh,... 

Tất cả những điều trên, đòi hỏi các doanh nghiệp liên quan đến nông thủy sản phải nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường, thông tin liên quan đến đối tác, quy tắc xuất xứ sản phẩm. Các doanh nghiệp nông thủy sản cần phải đánh giá lại đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới để tái cấu trúc phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất và trình độ khoa học công nghệ để xuất khẩu sản phẩm phân khúc giá cao.

Ông Nguyễn Hoa Cương cũng lưu ý các doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); áp dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực sản xuất, cấp phát vận chuyển hàng hóa, cung cấp hàng hóa cho khách hàng; cách thức làm việc, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin chuyển dần sang xu hướng không tiếp xúc; cơ cấu lại chi phí đầu tư, chi phí nhân sự; cách thức cung cấp sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ giúp tiết kiệm chi phí logistics, chi phí phục vụ cho doanh nghiệp; lưu ý tăng khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp;...

Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể mở rộng và tiếp cận thị trường quốc tế để phát triển chuỗi giá trị nông thủy sản, theo ông Rucci Tio, Quản lý Chương trình chính sách khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn Meta), trong chiến dịch kinh doanh thì các công cụ số sẽ phù hợp như marketing điện tử gắn kết khách hàng, nâng cao nhận thức thương hiệu, hướng khách hàng đến các trang web của doanh nghiệp,... Điều thật sự cần là các doanh nghiệp phải biết khách hàng tiềm năng của mình ở đâu để đưa ra chiến dịch tiếp thị phù hợp.

Theo ông Rucci Tio, công cụ số có thể giúp doanh nghiệp phát huy hiệu quả và tiết kiệm chi phí và đảm bảo doanh nghiệp có thể nhận được phản hồi từ khách hàng. Có thể khẳng định công cụ số có nhiều điểm quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp bắt đầu hãy tập trung vào một điểm thay vì thực hiện một chiến lược to lớn. Khi doanh nghiệp trưởng thành hơn sẽ có nhiều nguồn lực để mở rộng công nghệ số.

Đối với các doanh nghiệp biết tận dụng được các trang thương mại điện tử để tiếp cận người mua, bà Vân Lê, Quản lý chiến lược kinh doanh cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, Tập đoàn Meta lưu ý các doanh nghiệp nên tập trung chất lượng sản phẩm và trải nghiệm cho người tiêu dùng để khách hàng tiếp tục quay lại sau lần mua đầu tiên. Ngoài ra, doanh nghiệp nên nghiên cứu và hợp tác với nhiều nền tảng khác nhau để tiếp cận với nhiều khách hàng. Bởi sự trung thành của khách hàng không còn phụ thuộc yếu tố giá cả mà chất lượng và tính bền vững là yếu tố thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng.

"Bảo vệ môi trường và bền vững là yếu tố giúp người tiêu dùng lựa chọn chi tiền để mua sản phẩm. Như vậy, trong các khâu sản xuất, tiếp thị sản phẩm, doanh nghiệp nên suy nghĩ thêm về các cách mà doanh nghiệp nâng cao giá trị môi trường, trách nhiệm xã hội đối với sản của doanh nghiệp để tăng cường sự quan tâm của người tiêu dùng", bà Vân Lê nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục