Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế: Bước tiến lớn

13:08' - 11/02/2021
BNEWS 2020 là một năm đặc biệt của ngành y tế. Không chỉ thành công trong việc khống chế đại dịch COVID-19, ngành y tế còn tận dụng cơ hội để chuyển mình, đạt thành công lớn trong hành trình chuyển đổi số.

* Thay đổi tích cực hoạt động y tế

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, trong năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ vào ngành y tế về cả công tác quản lý lẫn tiên phong thử nghiệm nhiều ứng dụng điện tử, góp phần giảm áp lực lên các bệnh viện.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số, như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Đến nay, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân, như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; phát triển ứng dụng bệnh án điện tử cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum...

Cùng với đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Đến nay, đã có 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Ngành y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt với bốn hệ thống rô-bốt nổi bật được ứng dụng trong y học hiện đại. Đó là rô-bốt phẫu thuật nội soi Da vinci, rô-bốt phẫu thuật cột sống Renaissance, rô-bốt phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô-bốt phẫu thuật thần kinh Rosa. Ngành y tế đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” để hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ năm 2018 và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh năm 2018.

Trong lĩnh vực xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương…

Ngành cũng đã xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất theo quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ trưởng Y tế; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20.

Toàn ngành đã xây dựng thống kê y tế điện tử trên 36 tỉnh, thành phố. Năm 2021, ngành Y tế phấn đấu đẩy mạnh tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

Hiện ngành y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn, như: mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.

* Công nghệ số góp phần kiểm soát COVID-19

Năm 2020, Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá là một trong những quốc gia an toàn, làm tốt và hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh COVID-19 ở cả ba giai đoạn trước, trong và sau dịch bệnh. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể ngành y tế Việt Nam.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phòng chống dịch COVID-19 vừa thực hiện chuyển đổi số trong y tế.

Tính từ ngày 01/1/2020 đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã thực hiện 321 dịch vụ công trực tuyến, với tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 33.429 hồ sơ, trong đó: Vụ Trang thiết bị và công trình y tế: 4.919 hồ sơ; Cục An toàn thực phẩm: 8.708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược: 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh: 1.724 hồ sơ; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo: 50 hồ sơ; Cục Quản lý môi trường y tế: 1 hồ sơ. Những thủ tục hành chính được xử lý qua mạng này đã gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó.

Để có được thành công trên, ngành y tế đã tăng cường đồng bộ hoàn thiện hệ thống kiểm soát các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, có cảnh báo sớm về dịch bệnh, tối ưu hóa các nền tảng số trong công tác giám sát, thực hiện chặt chẽ việc truy tìm, điều trị bệnh thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại của người dùng… Cụ thể, ngành y tế đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng số như: ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, An toàn COVID-19, ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI, khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration); khai báo y tế điện tử, đóng nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; các trang tin và ứng dụng Sức khỏe Việt Nam; Cổng dịch vụ công trực tuyến của ngành y tế; các nền tảng thanh toán y tế không dùng tiền mặt…

Trong đó, ứng dụng khai báo y tế NCOVI được người dân đánh giá cao và hưởng ứng tích cực. Đây là sản phẩm do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quản lý, để giúp người dân chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 với cơ quan y tế. Nhờ ứng dụng này, người dân có thể theo dõi, cũng như hỗ trợ ngành y tế tìm ra những trường hợp nghi nhiễm, chủ động phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Có thể nói, sự ra đời của các nền tảng số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác "chống dịch như chống giặc". Không chỉ là giải pháp giúp sàng lọc, không tiếp xúc với người nhiễm bệnh COVID-19, các ứng dụng công nghệ số của ngành y tế còn giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập các kênh hỗ trợ, tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, mà không cần duy trì đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin tại chỗ để vận hành, duy trì. Đây được coi là một trong những thành công lớn của ngành y tế trong năm 2020.

* Ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh từ xa

Từ tháng 4/2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp.

Đặc biệt, ngành y tế đã chú trọng ứng dụng công nghệ số trong công tác khám, chữa bệnh từ xa để vừa bảo đảm giãn cách xã hội vừa chăm lo tốt cho sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người bệnh khó khăn trong việc di chuyển, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa.

Chỉ sau đúng một tuần kêu gọi, hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành. Tiếp sau đó, các ứng dụng số như: iCNM, Med247, e-Doctor… tiếp tục được ngành y tế đưa vào hoạt động.

Chỉ hai tháng sau khi Telehealth đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.

Đây là đề án vô cùng thiết thực, nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thật sự cần thiết; giảm tập trung đông người tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng khám, chữa bệnh của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung.

Bên cạnh đó, chương trình này còn mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới.

Sau hơn hai tháng triển khai, đề án đã đạt mốc 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia.

Ngoài ra cũng có hai bệnh viện của nước bạn Lào và một bệnh viện của Campuchia tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Hiện có 1.300 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng “Danh mục tạm thời các kỹ thuật chuyên môn khám, chữa bệnh từ xa”, tài liệu “Hướng dẫn các bước tổ chức và thực hiện buổi hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa”… để xây dựng tiếp các quy định khác như hướng dẫn về thủ tục tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế… phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ xa.

Đến nay, khám, chữa bệnh từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của nhiều bệnh viện. Có thể kể đến như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mỗi tuần đều tổ chức 1 đến hai 2 buổi kết nối khám, chữa bệnh từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng đã có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời.

Các thầy thuốc tuyến dưới cũng thấy rõ giá trị của Telehealth, đó là được tiếp cận thông tin ca bệnh hay, khó; qua đó rút ra được kinh nghiệm để cứu sống người bệnh.

Bệnh viện Bạch Mai, chỉ sau một tháng triển khai, cũng đã tổ chức được 9 buổi khám, chữa bệnh từ xa; 4 buổi tư vấn phòng, chống bệnh cho cộng đồng với sự kết nối của 343 bệnh viện tuyến dưới. Có 34 ca bệnh được khám, hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề về phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa…

Đặc biệt, ngày 11/9/2020 vừa qua, nhờ ứng dụng Telehealth, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ các bác sĩ bệnh viện đa khoa Hòa Bình cứu sống một người bệnh bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, nhất là khi cả nước tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa vẫn rất cần thiết.

Không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong công tác chăm sóc phục vụ sức khỏe người dân, việc khám, chữa bệnh từ xa còn giúp tạo nền tảng số cho ngành y tế lưu giữ tài liệu, dữ liệu.

Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa đến hơn 14.000 cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân.

Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để hướng tới “nối mạng” với quốc tế, kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến nhằm vừa học hỏi, nâng cao trình độ cho các thầy thuốc nước nhà, vừa giúp người dân không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, đến năm 2030, toàn ngành phấn đấu đưa ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, 50% (khoảng 700) số bệnh viện trên toàn quốc chuyển đổi số thành công, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử...

Có thể nói, 2020 là năm thành công của ngành y tế Việt Nam trong công tác chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ sở, để chúng ta tự tin, tạo sự đột phá và tiếp tục thực hiện Chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định phê duyệt vào ngày 22/12/2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục