Chuyên gia: Căng thẳng Nga-Ukraine sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc

05:30' - 07/03/2022
BNEWS Tình hình Nga-Ukraine căng thẳng có thể sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đối với thế giới, nhất là mức độ phụ thuộc của Nga vào hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.

 

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong khi đại dịch toàn cầu chưa chấm dứt thì căng thẳng Nga-Ukraine đã bất ngờ leo thang. Xét đến nhu cầu bên ngoài về hàng hóa chiến lược và nguyên vật liệu của Nga sẽ chuyển sang hướng sang Trung Quốc, một số chuyên gia phân tích dự báo điều này sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bành Ba, chuyên viên của Viện nghiên cứu hợp tác kinh tế thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, căng thẳng bùng phát sẽ tác động đến chuỗi sản xuất toàn cầu, bước đi phục hồi sản xuất chậm lại, tâm lý thị trường cũng sẽ bị ảnh hưởng, rất nhiều nhà sản xuất sẽ khẩn trương dự trữ hàng hóa.

Chuyên gia Bành Ba nhấn mạnh, cùng với tình hình Nga-Ukraine ngày càng căng thẳng, các bên lần lượt áp đặt lệnh trừng phạt nặng nề sẽ làm trầm trọng thêm cục diện căng thẳng của thế giới, tác động đến chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc đối với thế giới, nhất là mức độ phụ thuộc của Nga vào hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Theo một đại diện của doanh nghiệp ngoại thương ở Quảng Đông, về cơ bản các đơn hàng liên quan đến Ukraine đều bị đình chỉ hoặc trì hoãn. Tình hình hiện nay có tính bất trắc khá lớn, chủ yếu vẫn là tính đến sự an toàn của dòng tiền, lo ngại hàng không đến được cảng, hoặc đến cảng nhưng không lấy được hàng. Năm 2014, khi tình hình Ukraine căng thẳng, hàng hóa cũng từng đình trệ một thời gian, nhưng sau đó cùng với tình hình được xoa dịu, hoạt động kinh doanh cũng dần phục hồi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine, tổng kim ngạch thương mại song phương hàng năm đạt khoảng 19 tỷ USD.  Mặc dù căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Ukraine, nhưng xét đến quy mô kinh tế của Ukraine tương đối nhỏ, trao đổi thương mại với Trung Quốc không lớn, nên về tổng thể không tác động đáng kể đến ngoại thương của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo cáo của Goldman Sachs cũng cho rằng, nếu tình hình căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, nhu cầu về hàng hóa chiến lược và nguyên vật liệu của Nga đối với các nước ngoài Trung Quốc sẽ giảm mạnh, nhu cầu hàng hóa chiến lược và nguyên vật liệu của Nga có thể chuyển hướng sang Trung Quốc.   

Kinh nghiệm cho thấy, khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vào năm 2018-2019, đồng thời ngừng nhập khẩu than đá từ Australia năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu từ các các nơi khác. Hơn nữa, do tính đồng nhất và khả năng có thể thay thế của hàng hóa, nên Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu từ các nước khác thay thế dầu mỏ của Mỹ và than đá của Australia.

Báo cáo nhấn mạnh, Trung Quốc phụ thuộc vào Nga về hàng hóa chiến lược và nguyên vật liệu, nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Nga chiếm 17%, dầu thô chiếm 16%. Đồng thời, Nga cũng phụ thuộc vào Trung Quốc về phương diện hàng hóa thành phẩm, trong đó gần 40% thiết bị vận tải và 30% thiết bị cơ điện nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc, đặc biệt phần lớn ngô được xuất sang Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Nga lại có vị trí quan trọng trên thị trường kim ngoại, năng lượng và nông sản.  

Tuần vừa qua, Chính phủ Mỹ tuyên bố hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với Nga, ngừng nhập khẩu hàng hóa của Nga trên toàn cầu, phạm vi liên quan từ sản phẩm điện tử thương mại và máy tính, đến chất bán dẫn cũng như linh kiện máy bay. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, 27 nước thành viên EU bao gồm Pháp, Đức và Italy, cũng như các đồng minh Anh, Canada, Nhật Bản, Australia và New Zealand đều đã tham gia các biện pháp đáp trả này để tối đa hóa tác động ảnh hưởng.

Một cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine tiết lộ, sau khi căng thẳng Nga-Ukraine trở nên căng thẳng, phía Ukraine đã ngưng vận chuyển thương mại tại các cảng của Ukraine, điều này đã gây nên sự lo ngại gián đoạn nguồn cung của các nhà xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu chủ chốt. Theo nguồn tin từ các quan chức Nga và ngành sản xuất ngũ cốc, Nga đã sớm ra lệnh cấm tàu thương mại lưu thông ở Biển Azov, song vẫn duy trì việc mở cửa các cảng khẩu ở Biển Đen.

Giới trong ngành dự đoán, xuất khẩu lương thực hiện nay của Ukraine ước khoảng 5-6 triệu tấn/tháng, trong đó bao gồm 4,5 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn tiểu mạch, còn lại chủ yếu là đại mạch. Thành phố Mariupol nơi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt, là một trong những cảng khẩu lớn nhất ở Biển Azov của Ukraine, chủ yếu tiếp nhận tàu cỡ nhỏ 3.000-10.000 tấn.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh, vòng trừng phạt này là “chương trình trừng phạt nghiêm ngặt nhất mà chúng tôi thực hiện”. Các biện pháp trừng phạt có thể nhằm vào lĩnh vực năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời tìm cách thông qua kiểm soát xuất khẩu để kiềm chế hoạt động thương mại và sản xuất của Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục