Hoạt động chế tạo của Trung Quốc tăng trưởng ngoài dự kiến trong tháng 2/2022

08:38' - 02/03/2022
BNEWS Hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã ghi nhận đà tăng trưởng trong tháng 2/2021 khi lượng đơn đặt hàng mới được cải thiện.
Hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã ghi nhận đà tăng trưởng trong tháng 2/2021, khi lượng đơn đặt hàng mới được cải thiện, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngay cả khi áp lực giảm gia tăng và căng thẳng Nga -Ukraine làm bất ổn toàn cầu leo thang.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) của ngành sản xuất nước này đã tăng lên 50,2 vào tháng 2/2022, duy trì trên mốc 50 điểm (ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm), và tăng từ mức 50,1 điểm của tháng 1/2022. Kết quả này nằm ngoài dự đoán của giới phân tích là PMI sẽ giảm xuống 49,9 điểm.
 

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020.  Mặc dù động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bị kìm hãm vào mùa Hè năm ngoái, do cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt ảnh hưởng đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tuyên bố sẽ ổn định tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm nay và mọi sự chú ý đang hướng tới Kỳ họp thứ 5 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội - NPC) khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 5/3 tới. Tại đó, Chính phủ Trng Quốc sẽ công bố các mục tiêu kinh tế trong năm 2022 và nhiều khả năng là cả các biện pháp kích thích kinh tế.

Tình trạng căng thẳng Nga-Ukraine đã làm dấy lên những rủi ro mới đối với nền kinh tế toàn cầu, làm tăng thêm sự căng thẳng vốn đã kéo dài nhiều tháng qua cho các nhà máy sản xuất của Trung Quốc do những khó khăn trong chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Zhang Liqun, nhà phân tích tại China Federation of Logistics & Purchasing cho biết: “Vào tháng 2/2022, PMI của Trung Quốc duy trì trên mức 50, củng cố kỳ vọng rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Kết quả này có thể là do các chính sách hỗ trợ tăng trưởng được chính phủ áp dụng”.

Ông Zhang lưu ý rằng, nhu cầu tiêu thụ hiện vẫn còn yếu và áp lực lạm phát đang gia tăng. Do đó, Trung Quốc nên tiếp tục thực hiện các chính sách khác nhau để mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy đầu tư của Chính phủ Trung Quốc để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô và ổn định giá cả.

Tháng Hai vừa qua, lượng đơn đặt hàng mới trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã gia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 8/2021, do nhu cầu cải thiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Các ngành như dược phẩm, thiết bị đặc biệt và công nghiệp ô tô đã ghi nhận đà tăng mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất chậm lại, với chỉ số phụ đứng ở mức 50,4, so với mức 50,9 của tháng 1/2022.

Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, với chỉ số tính toán giá nguyên liệu thô đứng ở mức cao nhất trong 4 tháng.

Một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phục hồi vào cuối năm, khi các nhà chức trách nới lỏng một số hạn chế tài chính đối với các nhà phát triển bất động sản và một số địa phương nới lỏng yêu cầu mua, củng cố tâm lý nhà đầu tư. Giá nhà mới của Trung Quốc đã tăng trở lại vào tháng 1/2022, sau chuỗi tháng sụt giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2021.

Trung Quốc vẫn đang “chiến đấu” với các đợt bùng phát dịch COVID-19 lẻ tẻ trên khắp đất nước, trong khi số ca mắc từ Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tăng mạnh. Điều đó đã làm suy giảm đáng kể tâm lý của người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục