Chuyên gia dự đoán chính sách kinh tế của Trung Quốc 5 năm tới

05:30' - 24/10/2017
BNEWS Theo giới quan sát, Trung Quốc trong 5 năm tới sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng “xã hội khá giả toàn diện” và tăng gấp đôi GDP năm 2010 vào trước năm 2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và các đại biểu tại đại hội. Ảnh: THX/TTXVN

Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 18/10.

Nhật báo Bình Quả (Hong Kong) có bài viết trích dẫn nhận định của chuyên gia chiến lược thị trường cấp cao của Công ty TNHH Quản lý Đầu tư Toàn cầu HSBC (chi nhánh Hong Kong), Đàm Tuệ Mẫn (Tan Huimin) cho rằng, trong một thời gian dài trước đây, Trung Quốc rất phụ thuộc vào việc mở rộng hoạt động tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, Chính phủ nước này đã đặt ra một loạt mục tiêu trong nhiều lĩnh vực, như thúc đẩy đổi mới, cải cách doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ của chính quyền các địa phương và mở cửa thị trường.

Mặc dù tăng trưởng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền, song giới phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jin ping), nước này sẽ tiếp tục cải thiện việc thực hiện và cân đối chính sách, đồng thời đẩy nhanh cải cách. Trong 5 năm tới, Ban lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ đưa đất nước trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao.

Các nhà phân tích dự báo trọng tâm chính sách sẽ dần chuyển từ các biện pháp ngắn hạn sang dài hạn, tập trung nhiều hơn vào chất lượng và tính bền vững của phát triển kinh tế. Ngoài ra, các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường quản lý được cho là sẽ tiếp tục được giới lãnh đạo Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện.

Theo ông Đàm Tuệ Mẫn, việc phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro tài chính mang tính hệ thống vẫn sẽ nằm trong trọng tâm chính sách, các lĩnh vực đặc biệt quan trọng bao gồm các hoạt động tài chính phi ngân hàng, thị trường bất động sản, sức mạnh tạo động lực của các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, các vấn đề tài chính của chính quyền địa phương…

Các nhà lãnh đạo gần đây đã duy trì lập trường cương quyết  về giám sát tài chính, trong khi các biện pháp thúc đẩy đã được mở rộng từ khu vực tài chính sang các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Trên thực tế, các biện pháp thúc đẩy đã bắt đầu có hiệu quả. Ví dụ, việc cho vay của ngân hàng đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng đã giảm, và có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp/GDP đã đạt đỉnh điểm trong 6 tháng đầu năm, trong khi tỷ suất ghi nợ vay vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng giảm đi.

Giới quan sát dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra sự cân bằng giữa đòn bẩy tài chính và tăng trưởng kinh tế, nhằm tránh những rủi ro từ việc thắt chặt hoạt động tín dụng.

Về cơ hội đầu tư, chuyên gia Đàm Tuệ Mẫn cho rằng cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi, hướng tới tăng trưởng theo mô hình tiêu dùng, các nhà đầu tư cần tiếp tục lạc quan về các ngành “kinh tế mới” như khoa học công nghệ và y học dược liệu.

Với việc lãi suất trái phiếu không ngừng gia tăng và được sự hỗ trợ từ xu hướng phí bảo hiểm tiếp tục tăng mạnh, các công ty bảo hiểm dự đoán sẽ tiếp tục ăn nên làm ra với giá cổ phiếu ngày càng tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục