Chuyên gia kinh tế châu Âu đánh giá về xu hướng phát triển của đồng bitcoin

05:30' - 04/03/2021
BNEWS Theo một nhà kinh tế trưởng phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ngân hàng Đan Mạch Saxo-Bank, sự tăng giá của đồng bitcoin trong thời gian qua trước hết là theo chu kỳ tăng trưởng.

Thời gian gần đây, đồng tiền kỹ thuật số bitcoin liên lục tăng giá và lập những kỷ lục mới. Bitcoin thậm chí còn lần đầu tiên vượt mốc 50.000 USD hôm 17/2, từ đó mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư. Đồng tiền này sau đó tuy giảm hơn so với mốc đỉnh, song vẫn liên tục dao động ở mức giá cao.

Theo một nhà kinh tế trưởng phụ trách nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ngân hàng Đan Mạch Saxo-Bank, sự tăng giá của đồng bitcoin trong thời gian qua trước hết là theo chu kỳ tăng trưởng.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi các hoạt động kinh tế sản xuất bị chậm lại, nhà đầu tư tìm kiếm lựa chọn thay thế cho các hình thức đầu tư truyền thống như thị trường chứng khoán, cổ phiếu, chứng khoán doanh nghiệp. Chính điều này đã dẫn các nhà đầu tư đến với bitcoin.

Hiện tượng này đã dẫn đến hiện tượng khác: Sự xuất hiện của cái gọi là các nhà đầu tư "bổ sung". Các công ty rất lớn như các quỹ hưu trí hay các công ty tài chính của Mỹ như Blackrock, đã quyết định đầu tư vào tiền điện tử. Các công ty này nhận thấy đó có thể là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận lớn nhờ sự tăng trưởng phi thường sau vài tháng.

Tiếp theo, đồng bitcoin được đánh giá là dễ thanh toán và kiểm soát được lạm phát. Thực tế cho thấy bitcoin nói riêng và các loại tiền điện tử khác nói chung đều có hai lợi ích chính. Trong ngắn hạn, lợi ích đầu tiên đối với giới đầu tư là việc chuyển tiền quốc tế được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn và với chi phí thấp hơn nhiều so với sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Trong dài hạn, có nhiều ý kiến cho rằng tiền tệ truyền thống sẽ biến mất và khi đó sẽ phải sử dụng các loại tiền tệ khác thay thế. So với các loại tiền tệ khác, bitcoin có một lợi thế rõ ràng bởi nguồn cung tiền bitcoin bị hạn chế nên sẽ không gây ra lạm phát, từ đó kiểm soát được tình trạng lạm phát.

Ngoài ra, độ tin cậy của bitcoin đang ngày càng được củng cố. Sự tăng trưởng về giá trị của bitcoin kể từ khi đồng tiền này xuất hiện đến nay là minh chứng cho một hiện tượng cơ bản chứ không phải là bất thường do các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm hơn đến đồng tiền này.

Không chỉ các công ty ứng dụng kỹ thuật số lớn như Paypal mà còn cả các doanh nghiệp nhỏ ở một số thành phố lớn ở nhiều quốc gia cũng chấp nhận bitcoin.

Bên cạnh đó là hàng loạt ngân hàng trung ương ngày nay cũng quan tâm đến tiền ảo. Nhìn chung, hiện nổi lên xu hướng đồng thuận về việc đồng bitcoin phải được chấp nhận vì đồng tiền này cũng là một phương tiện thanh toán như mọi phương tiện khác như tiền mặt hay thẻ ngân hàng.

Trong khi đó, giới phân tích kinh tế Pháp khi nhận định về đà tăng giá của bitcoin cũng cho rằng việc hãng sản xuất xe điện Tesla (Mỹ) công bố mua một lượng bitcoin trị giá khoảng 1,5 tỷ USD và các công ty đa quốc gia về thanh toán như PayPal hay Visa tung ra các chương trình nhằm dân chủ hóa việc sử dụng tiền điện tử đã kích thích các nhà đầu tư tìm đến bitcoin.

Thêm vào đó là việc thể chế hóa đồng tiền kỹ thuật số ngành tài chính ngày càng tăng ở nhiều quốc gia. Đi đầu trong tiến trình này chính là việc các nhà chức trách Mỹ ngày càng cấp phép nhiều hơn cho các nền tảng giao dịch dưới sự điều hành của Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) hoặc thậm chí được hỗ trợ từ Sàn giao dịch Nasdaq để tung ra các công cụ phái sinh dành riêng cho bitcoin. Điều này đang dần tạo ra niềm tin cho việc sử dụng bitcoin trong trật tự tài chính quốc tế.

Nếu tính hợp pháp của bitcoin vẫn bị giới quản lý tài chính phủ nhận, thì bitcoin đã tạo ra một bước đột phá trong danh mục đầu tư của các tổ chức. Điển hình như công ty quản lý tài sản số một thế giới BlackRock hiện đã cho phép hai quỹ của công ty này đầu tư vào bitcoin. Điều này tiếp tục chứng tỏ bitcoin đang thu hút các nhà đầu tư nghiệp dư cũng như các quỹ đầu tư lớn nhằm tìm được lợi nhuận cao trong hoạt động kinh doanh.

Giá bitcoin phản ứng tự nhiên theo quy luật cung và cầu. Khi lượng người mua nhiều hơn người bán trên thị trường thì giá trị tất yếu tăng lên và ngược lại. Để xác định giá của bitcoin, chỉ cần chia số vốn của bitcoin cho số lượng đồng bitcoin đang lưu hành.

Với số lượng bitcoin lưu hành trong một ngày đạt đến giới hạn 21 triệu đơn vị, sự khan hiếm này cho thấy giá trị của bitcoin chỉ có thể tăng lên theo thời gian. Về mặt logic, nếu ngày càng có nhiều người tìm cách nắm giữ bitcoin, nhưng số lượng lưu thông của chúng vẫn cố định, giá trị của đồng tiền chỉ có thể tăng lên. Điều này đủ để khiến một số nhà phân tích tin rằng tiền điện tử một ngày nào đó có thể đạt mức 6 con số, hoặc thậm chí 1 triệu USD.

Giá trị đồng bitcoin tăng cao còn khiến cho giới quan sát và những người ủng hộ bitcoin gọi đồng tiền này là "vàng kỹ thuật số". Giới phân tích địa bàn trích nhận định của ngân hàng đầu tư JPMorgan cho rằng bitcoin có thể cạnh tranh với vàng như một loại tiền tệ thay thế trong những năm tới, khi một thế hệ nhà đầu tư mới ngày càng chiếm một phần quan trọng trên thị trường. Bitcoin được so sánh với vàng bởi quá trình phát hành của đồng tiền này.

Việc giới hạn 21 triệu đơn vị bitcoin được lưu hành nhằm kiểm soát lạm phát khiến đồng tiền kỹ thuật số này chỉ có thể tăng trong tương lai và được bảo vệ như kim loại quý trước những thay đổi không kịp thời trong chính sách tiền tệ.

Không phải chịu sự quản lý của ngân hàng trung ương và lại được phát hành bởi một mạng lưới phi tập trung, bitcoin có thể là một sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Kể từ cuộc khủng hoảng y tế, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang giải ngân hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này khiến một số nhà đầu tư nghi ngờ sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế hoặc các loại tiền tệ thông thường.

Ngoài tiềm năng thu lợi nhuận ngắn hạn, việc nắm giữ Bitcoin có thể cho phép các nhà đầu tư tự bảo vệ mình trước sự sụp đổ của các tài sản truyền thống. Việc sử dụng tiền điện tử được cho phép ở các quốc gia nơi giá trị của đồng tiền quốc gia bị giảm như ở Iran, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nigeria.

Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh hiện nay của Bitcoin, giới phân tích châu Âu cũng cho rằng đồng tiền này cũng rất dễ bị "bốc hơi". Bitcoin đã cho thấy bản thân đồng tiền này rất dễ bị tổn thương khi đối mặt với sự sụp đổ của thị trường tài chính trong thời gian nền kinh tế thế giới chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Vào đỉnh điểm của cơn bão thị trường chứng khoán tháng 3/2020, giá trị của Bitcoin đã giảm gần 40% trong vài ngày, xuống dưới 5.000 USD. Trong khi đó, giá vàng cùng kỳ chỉ giảm hơn 10%.

Ngoài ra, trong thị trường chứng khoán, tin tức kinh tế dễ chi phối nhịp độ đầu tư. Đồng bitcoin cũng thường rất nhạy cảm với các thông báo về quy định của cơ quan chức năng. Thông tin thậm chí có khả năng gây ra sự hoảng loạn trên thị trường chẳng hạn như khi nền tảng giao dịch bitcoin gặp vấn đề về bảo mật hoặc cơ quan ngân hàng muốn hạn chế việc sử dụng tiền điện tử…

Một tác động có thể đảo ngược và tạo ra sự hưng phấn nếu một nhân vật như Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk, giới thiệu tiềm năng của bitcoin hoặc một "gã khổng lồ" trong lĩnh vực tài chính như PayPal thông báo muốn dân chủ hóa việc sử dụng tiền điện tử. Do đó, trong một vài giờ, giá trị của bitcoin có khả năng tăng 20% và giảm mạnh vào ngày hôm sau. Sự biến động này chính là điểm yếu của loại tiền điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục