Chuyên gia Singapore nhận định về ngành hàng không châu Á-TBD

15:45' - 11/05/2022
BNEWS Lượng khách hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 62,7% trong gian đoạn 2019 - 2021.

Trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu vẫn đang phục hồi sau đại dịch COVID-19, từ một khu vực dẫn đầu thế giới về tăng trưởng trong ngành hàng không, châu Á-Thái Bình Dương đã trở thành khu vực ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực này.

 

Trong bài viết đăng trên trang web của Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum), Tiến sĩ Faizal Bin Yahya, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu chính sách thuộc Đại học Quốc gia Singapore, dẫn dữ liệu của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI) cho thấy lượng khách hàng không ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 62,7% trong gian đoạn 2019 - 2021.

Trong khi đó, tổng lưu lượng hành khách thế giới chỉ giảm 48,3%. Đối với lưu lượng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, sự phục hồi của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng thua kém phần còn lại của thế giới.

Lưu lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng 1,5% trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong cùng thời kỳ so với mức tăng 2,9% của vận tải hàng không toàn cầu. Việc Trung Quốc tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa để chống dịch COVID-19 cũng làm gia tăng gánh nặng đối với vai trò của khu vực trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiến sĩ Yahya nhận định sự phục hồi chậm chạp của ngành hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương là điều đáng lo ngại. Theo dự báo của hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, tăng trưởng trung bình toàn cầu trong lĩnh vực đi lại bằng đường hàng không được dự đoán là 4%, trong khi con số này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trung bình 6,5%.

Một số hãng hàng không châu Á trì hoãn việc bàn giao máy bay mới và trả máy bay cho bên cho thuê trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nghiêm trọng của thị trường hàng không trong khu vực.

Sự phục hồi lượng hành khách quốc tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ thuộc vào các thị trường du lịch lớn như Trung Quốc và Ấn Độ. Vào cuối tháng 3 vừa qua, Ấn Độ đã khởi động lại các chuyến bay quốc tế nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới với du khách quốc tế.

Trong khi đó, xu hướng toàn cầu chỉ ra rằng khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đạt 70%, đây sẽ là điểm khởi đầu cho các quốc gia mở cửa biên giới đón khách đi lại bằng đường hàng không. Nhưng điều này cũng không đúng với Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương.

Australia, Campuchia, Lào và New Zealand đã kéo dài việc đóng cửa biên giới lâu hơn nhiều quốc gia khác. Indonesia, Malaysia và Singapore cũng không có sự gia tăng đáng kể về lượng hành khách quốc tế mặc dù tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao.

Tuy nhiên, tác giả nhận định triển vọng du lịch hàng không quốc tế có phần khả quan hơn khi gần như tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã áp dụng cách tiếp cận thực dụng hơn để đối phó với dịch COVID-19. Việc chỉ chú trọng khống chế dịch COVID-19 sẽ gây ra nhiều tác hại hơn cho các nền kinh tế, trì hoãn quá trình phục hồi và có nguy cơ khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn.

Cũng theo Tiến sĩ Yahya, thị trường hàng không quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi chậm chạp cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc triển khai các biện pháp chính sách nhằm hồi sinh ngành hàng không. Các quốc gia cần tập trung vào các biện pháp thúc đẩy việc đi lại quốc tế thuận tiện và an toàn để thúc đẩy tăng trưởng của ngành hàng không trong khu vực.

Trên bình diện quốc tế, Tiến sĩ Yahya cho rằng số hóa có thể hỗ trợ đảm bảo các yêu cầu đi lại được thực hiện một cách phù hợp và hiệu quả. Ngoài ra, một hệ thống theo dõi liên lạc hiệu quả dành cho tất cả hành khách, cũng như một hệ thống kỹ thuật số kết nối thông suốt với các hãng hàng không, sân bay quốc tế, cơ quan kiểm soát biên giới và hệ thống y tế công cộng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động đi lại quốc tế bằng đường hàng không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục