Chuyện ít biết về thú chơi đào của người Hà Thành

20:27' - 21/01/2016
BNEWS Chẳng biết từ bao giờ, thú chơi đào ngày Tết đã có trong nếp sống văn hóa của người Hà Nội.
Chẳng biết từ bao giờ, thú chơi đào ngày Tết đã có trong nếp sống văn hóa của người Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Vốn thanh lịch, lại cầu kỳ, tao nhã, nên loại hoa được người dân Hà thành ưa chuộng cũng phải là thứ hoa thắm sắc, cánh hoa kép, dày; trên cành hoa phải có lá, nụ, hoa và cả quả non đầy đủ mới đúng tiêu chuẩn. Mà cái giống đào ấy, chỉ có thể do những người nông dân có kỹ thuật và tay nghề của làng Nhật Tân trồng, cấy ghép mới có mà thôi.

"Hữu xạ tự nhiên hương", có lẽ vì thế nên cứ tới độ xuân về, người ta lại tìm đến bên dòng sông Hồng, nơi có một ngôi làng ươm mầm thứ cây đặc trưng của ngày Tết Nguyên đán, hoa đào Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Có truyền thống trồng đào từ lâu đời nên không chỉ có tay nghề, mà người dân Nhật Tân còn là những người sành chơi đào chính hiệu.

Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ vườn đào Chiến Cúc cho biết, đào tại Nhật Tân có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu là đào thế, đào cành và đào thất thốn. Nhưng người nào sành và biết chơi đào, thì phải chọn loại đào thế và là cây đào có gốc nguyên thủy trồng tại Nhật Tân chứ không phải là gốc ghép từ đào rừng Sơn La, Lai Châu…

Theo ông Chiến, với một người mới biết chơi đào thì rất khó phân biệt gốc đào ghép với gốc đào nguyên thủy. Một cây đào thế được cho là đẹp phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là căn cứ vào thời gian, độ tuổi và dáng thế. Gốc, thân đào thế nguyên thủy thường to, sần sùi, già nhưng khỏe, có tuổi tầm từ 15-20 năm và được tạo nhiều dáng thế khác nhau như ngũ phúc, tam đa, bạt phong, hay quần tụ.

"Cây đào thế không nở quá nhiều hoa, nhưng đã ra hoa bông nào là chất lượng bông ấy", ông Chiến tự hào cho biết. Nếu là đào bích thì hoa to, sắc hoa thắm, cánh xếp khít nhau; đào phai thì cánh nhẹ màu hơn, chỉ phớt hồng. Những người trồng đào như ông Chiến đều có kỹ thuật hãm hoa để hoa nở và tàn chỉ trong những ngày Tết.

Dù chưa có nhiều kinh nghiệm như những người chơi hoa đào lâu năm, nhưng anh Trần Xuân Trường (32 tuổi, Hàng Chiếu, Hà Nội) cho biết, năm nào anh cũng theo cha ra tận vườn Nhật Tân để chọn đào nên cũng có biết chút ít kiến thức về hoa. Chủ yếu anh chọn dáng chứ không chọn những cây hoa nhiều.

“Hoa thường để chơi, để ngắm, để học được nhiều thứ, chứ không chỉ đơn thuần là trưng bày cho đẹp, cho có”. Ảnh: TTXVN

“Hoa thường để chơi, để ngắm, để học được nhiều thứ, chứ không chỉ đơn thuần là trưng bày cho đẹp, cho có”, anh Trường cho biết. Tuy là người mới chơi hoa vào tầm khoảng 6-7 năm gần đây, nhưng từ nhỏ anh đã được người cha truyền tình yêu với hoa, với cây nên càng lớn càng thêm say mê.

Cả ông Chiến và anh Trường đều cho rằng, chơi hoa đào là thú chơi từ xa xưa của người dân Hà Thành và không chạy theo thị hiếu của số đông hiện nay. Sở dĩ chọn hoa phải cầu kỳ, kĩ càng do thông qua việc chọn đào, người ta gửi gắm mong muốn về một năm mới an khang, thịnh vượng.

Với người Hà Nội xưa, chọn đào còn chọn theo phong thủy. Đào là khí dương, sắc hồng của đào bích ngoài tô điểm cho căn nhà thì màu hồng đỏ của đào sẽ tăng sự ấm áp, xua tan lạnh giá của khí hậu miền Bắc. Theo anh Trường, các bậc trưởng lão trong gia đình còn quan niệm chơi đào còn để trừ ma quỷ.

Tương tự với việc chơi dáng thế của cây đào, các thế dân gian được nhiều khách lựa chọn là thế quần tụ, một tán lên cao biểu tượng cho cha mẹ và các cành thấp, nhỏ xung quanh biểu tượng cho con cháu sum vầy; thế bạt phong là các cành được tạo dáng như bị gió thổi bạt nhưng các cành vẫn ngóc vươn lên…

Chơi đào thôi đã khó, mà đến việc chọn bình để cây, rồi vị trí để cây như nào cũng được người chơi lựa chọn rất kỹ càng. Các cây hoa sẽ được để nguyên trong chậu cây, mà phải là chậu đất, chậu gốm chứ không cắm trong các bình hoa pha lê. Nhà nào có không gian rộng sẽ được xếp đặt cạnh bàn nước để có thể vừa ngắm hoa vừa thưởng trà. Sau khi hoa tàn, cây sẽ được giữ để gửi trả lại vườn đào chăm sóc cho tới vụ đào năm sau.

Thế mới thấy, chỉ một thú chơi hoa cũng nói lên được cái sự kì công, kỹ tính của con người mảnh đất kinh kỳ. Do đó, giá thành cũng không hề rẻ, có những cây được bán với giá 15 triệu đồng trở lên, chưa tính chậu và công vận chuyển.

Qua thời gian, thú chơi hoa đào của người Hà Nội cũng thay đổi. Vì những vội vã của cuộc sống thường nhật và nhu cầu sử dụng, hầu hết người dân lựa chọn ra chợ hoa Tết để chọn những cành đào nhỏ để lên ban thờ, ít chú trọng đến phong thủy.

Thú chơi đào thế, đào cổcũng gần trở nên phổ biến hơn do nhu cầu chơi đào những năm gần đây. Ảnh: TTXVN

Thú chơi đào thế, đào cổ cũng gần trở nên phổ biến hơn do nhu cầu chơi đào những năm gần đây. Thậm chí, xuất hiện những cây đào lũ, là những gốc đào bị sâu trong lõi, được tạo dáng kỹ càng, tỉ mỉ theo các thế cây. Loại đào này hiện chỉ được các chủ vườn cho thuê đem về trưng bày hoặc ngắm, với giá khoảng từ 10 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, có nhiều gia đình lựa chọn mua và cắm những bình hoa dơn, quất hoặc thủy tiên cũng là những loại hoa được người Hà Nội ưa chuộng để trưng Tết. Do tác động khí hậu trong những năm gần đây dần ấm lên, thú chơi hoa mai cũng đang trở nên phổ biến.

Cũng không khó để bắt gặp những sắc mai vàng tại Hà Nội trong những chợ hoa những dịp cận Tết, cho thấy nhu cầu chơi hoa, thưởng hoa của người dân ngày càng phong phú và đa dạng.

Bản thân cây hoa ngày trước chỉ phổ biến tại ngày Tết Bắc Bộ, nay đã khoe sắc ở nhiều mảnh đất miền Trung và miền Nam như Thành phố Hồ Chí Minh… để đáp ứng nhu cầu có một cái Tết đặc trưng miền Bắc của những người con xa xứ.

Như câu thơ trong bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già”, cùng cây nêu, ông đồ, bánh chưng và tràng pháo, cây đào vẫn luôn là dấu hiệu đặc trưng của mùa xuân, là biểu tượng truyền thống của Tết trong lòng người dân Hà Nội, dù họ có ở bất cứ nơi đâu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục