“Chuyển mình” với doanh nghiệp ngành bán dẫn
Nhu cầu bán dẫn dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024 - 2025 nhờ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI). Giới phân tích cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào năm 2024- 2030. Trước cơ hội lớn, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh để gia nhập sâu hơn vào ngành bán dẫn.
Theo Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), Các công ty bán dẫn của Việt Nam hầu hết đến từ công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Sự tham gia của Việt Nam vào sản xuất chất bán dẫn chủ yếu tập trung vào các giai đoạn cuối, đặc biệt là khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Phân khúc này yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn và lao động có tay nghề thấp hơn và là phân khúc ít có giá trị nhất trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các công ty bán dẫn của Việt Nam chủ yếu đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) và Tập Đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) là doanh nghiệp nội địa nổi bật nhất
Chất bán dẫn là một sản phẩm vật chất có cả tính cách điện và dẫn điện. Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành quan trọng đối với cả nền kinh tế Mỹ và thế giới, với các thành phần bán dẫn được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và thương mại, ô tô, máy tính đến thiết bị di động và thiết bị điện tử cá nhân.
Chuỗi giá trị bán dẫn bao gồm nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có vai trò và công ty chuyên biệt riêng. Các giai đoạn này bao gồm: thiết kế, chế tạo và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Chất bán dẫn được chia thành hai phần chính: Chất bán dẫn loại P (bán dẫn dương) và loại N (chất bán dẫn có hạt tải điện chủ yếu là electron mang điện tích âm). Nguyên liệu chính bao gồm phốt pho, asen và antimon cho dây dẫn loại N và boron, gali, germanium cho dây dẫn loại P. Trong số các vật liệu này, silicon là thành phần chính được sử dụng trong chip bán dẫn.
MBS cho rằng nguồn cung silicon dự kiến sẽ tương đối ổn định trong tương lai gần do silicon là nguyên tố phổ biến thứ hai trong lớp vỏ trái đất (chiếm 28%). Ngược lại, các vật liệu bán dẫn khác có tính sẵn có hạn chế hơn.
Phốt pho là một lựa chọn được sủ dụng rộng rãi để pha tạp chất bán dẫn silicon loại N, bao gồm cả những chất được sử dụng trong các tấm pin mặt trời loại N, pin mặt trời loại N. Phốt pho được sử dụng để tăng nồng độ electron và tăng cường độ dẫn điện.
Các chuyên gia từ MBS cho rằng, nhu cầu bán dẫn dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2024 và 2025 nhờ trí tuệ nhận tạo tạo sinh (GenAI). Theo báo cáo mới nhất từ Bloomberg Intelligence, giá trị thị trường genAI sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 42% trong giai đoạn 2023-2032. Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng phổ biến trong các công việc hàng ngày như tìm kiếm thông tin, tạo nội dung (văn bản, hình ảnh, video) và hỗ trợ ra quyết định.
Theo dự báo mới nhất từ Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner, Inc., doanh thu bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 16,8% và 15,5% so với cùng kỳ trong năm 2024 và 2025 để đạt 624 tỷ USD và 721 tỷ USD; trong đó, doanh thu bán dẫn AI sẽ đạt 71,2 tỷ USD/ 91,9 tỷ USD tăng tới 33% và 29% so với cùng kỳ vào năm 2024 và năm 2025.
Về dài hạn, ngành bán dẫn toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện, trung tâm dữ liệu và các công nghệ mới nổi như Internet Vạn Vật (IoT), AI và mạng 5G.
Chỉ trong hai năm 2021 và 2022, thế giới đã chứng kiến tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 155 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn. Đây là mức FDI vào ngành này cao nhất trong 20 năm qua. MBS tin rằng Việt Nam có tiềm năng trở thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn mới của thế giới vào năm 2024-30.
Vào tháng 9 năm 2023, Mỹ và Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đào tạo lực lượng lao động và phát triển hệ sinh thái, nhằm tăng cường quan hệ khoa học công nghệ song phương và xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn linh hoạt hơn.
Để trang bị nguồn nhân lực cho ngành, Việt Nam và Mỹ sẽ mở các chương trình phát triển lực lượng lao động sâu rộng, bao gồm các phòng thí nghiệm giảng dạy thực hành và các khóa đào tạo tập trung vào lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Hơn nữa, một số công ty bán dẫn lớn của Mỹ, bao gồm Intel, Amkor, marvell và GlobalFoundries đã cam kết đầu tư đáng kể vào ngành bán dẫn của Việt Nam.
Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch nhân sự toàn diện, được hỗ trợ bởi các quy định, chính sách, cơ chế liên quan để thu hút các nhà sản xuất và thiết kế chất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn như Công ty cổ phần FPT và các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào (phốt pho, bismuth) như Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC), Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials (mã chứng khoán: MSR) được cho rằng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn FDI và sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Hãng nghiên cứu thị trường Statista market Insights dự báo doanh thu bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 11,6% trong giai đoạn 2023-2027, đạt 31,28 tỷ USD vào năm 2027; trong đó, mạch tích hợp - phân khúc quan trọng nhất trong ngành bán dẫn được dự đoán sẽ có giá trị 16.44 tỷ USD vào năm 2024.
Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngành bán dẫn. DGC là nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á - nguyên liệu quan trọng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn. DGC cũng là doanh nghiệp duy nhất trên thế giới có thể sản xuất phốt pho vàng từ quặng apatit ở cả dạng bột và dạng cục.
MBS tin rằng DGC sẽ tăng trưởng lợi nhuận ròng trở lại vào năm 2024, nhờ nhu cầu phục hồi trên thị trường bán dẫn. Ngoài ra, giá phốt pho vàng vẫn ở mức thấp nhất một năm và khó có thể giảm xuống mức năm 2021 do chính sách hạn chế khai thác quặng apatit của Trung Quốc.
Trong lĩnh vực bán dẫn, DGC đã thiết lập sự hiện diện thống trị ở Đông Á (trừ Trung Quốc) trên thị trường photpho vàng và đang nhanh chóng xâm nhập vào thị trường Mỹ. Độ tinh khiết photpho vàng hàng đầu của công ty vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Theo Vietcap, DGC dự kiến hưởng lợi từ việc tăng cường sản xuất chip của Hoa Kỳ và các đồng minh, không phụ thuộc vào vị trí của các nhà máy.
Với FPT, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) kỳ vọng FPT sẽ tăng doanh thu từ AI trong năm 2024 (hiện ở mức tương đối nhỏ trong tổng doanh thu) để cải thiện kết quả kinh doanh chung.
Theo FPT, công ty có kế hoạch hợp tác với Microsoft để phát triển thêm "use case" về generative AI cho khách hàng và công ty cũng đang thúc đẩy hợp tác với NVIDIA liên quan đến AI.
MBS cho biết, việc FPT hợp tác với NVIDIA, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu dài hạn cho FPT trong giai đoạn 2025-2030 khi AI nổi lên như xu hướng mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đối với ngành bán dẫn trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và chuyên bán dẫn đến năm 2030; trong đó, FPT sẽ đào tạo khoảng 10.000-15.000 chuyên gia cho ngành này.
Để theo đuổi mục tiêu này, trong quý III/2023, Khoa Vi mạch bán dẫn đã được Đại học FPT thành lập và đặt mục tiêu đào tạo lứa sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
Hiệp hội ngành Quốc tế về Thiết bị và Vật liệu Bán dẫn (SEMI) dự báo doanh số bán dẫn toàn cầu sẽ tăng 12% so với cùng kỳ vào năm 2024. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho của các nhà sản xuất chip đang ổn định cũng củng cố cho hoạt động sản xuất chip và do đó nhu cầu hóa chất phốt pho công nghiệp tăng trong tương lai.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 15/7, ông Bùi Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành bán dẫn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế và kết nối, hợp tác với các đối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” và đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo ông Tuấn, để thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, nâng cao năng lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển trong dài hạn.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu ngành bán dẫn
15:11' - 15/07/2024
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thu hút các nguồn lực hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
-
Công nghệ
SoftBank Nhật Bản mua lại công ty khởi nghiệp về chất bán dẫn của Anh
07:35' - 14/07/2024
Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank Group của Nhật Bản đang tìm cách củng cố khoản đầu tư vào chip và trí tuệ nhân tạo (AI) đã mua lại Graphcore, một công ty khởi nghiệp về chất bán dẫn của Anh.
-
Doanh nghiệp
Chip AI của Nvidia chiếm thế áp đảo tại thị trường bán dẫn Trung Quốc
09:16' - 11/07/2024
Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã hạn chế hoạt động kinh doanh của Nvidia tại Trung Quốc, nhưng công ty này vẫn đang trên đà bán được 12 tỷ USD chip AI tại nước này trong năm nay.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.