Chuyện sau khi dân bản Mường Nhé học nghề

07:00' - 11/10/2024
BNEWS Mường Nhé là huyện miền núi khó khăn của tỉnh Điện Biên, với đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Người dân nơi đây chủ yếu chăn nuôi, làm nương rẫy theo truyền thống nên không hiệu quả.

Để thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều năm qua, huyện Mường Nhé mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm cung cấp kiến thức, nâng cao trình độ sản xuất. Nhờ vậy, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, ổn định sinh kế bền vững, từng bước xóa đói, giảm nghèo.

 

Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến bản Nà Pán, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) lúc trời vừa chập tối. Từ đầu bản, chúng tôi nghe tiếng máy cắt cỏ, tiếng trao đổi giữa thầy với các học viên của lớp học chăm sóc trâu, bò khóa 8 của bản.

Lớp học do giáo viên có nhiều kinh nghiệm của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé trực tiếp hướng dẫn. Tham gia lớp học có 25 học viên, chủ yếu là đồng bào Mông, Thái. Họ đều là hộ nghèo, cận nghèo trong bản có nhu cầu phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Tại mỗi buổi học, học viên đều được học lý thuyết gắn thực hành ngay tại lớp với các mô hình trực quan sinh động.

Anh Quàng Văn Toán, ở bản Nà Pán chia sẻ, trước đây, người dân trong bản chỉ chăn nuôi theo kinh nghiệm dân gian, gia súc thường thả rông dẫn đến trâu bò hay mắc bệnh, ốm chết. Sau khi tham gia lớp học, bà con biết nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng trại cẩn thận. Việc nuôi nhốt gia súc giúp người dân dễ phát hiện bệnh tật, sớm điều trị và tiêm phòng đầy đủ, vật nuôi khỏe mạnh hơn. Nhờ đó, đàn gia súc hàng trăm con của bà con trong bản không những tăng trưởng tốt mà còn sinh sản nhanh, giúp cải thiện kinh tế.

Bản Nà Pán hiện có 86 hộ dân, với 473 nhân khẩu, đến nay, hầu hết người dân trong bản tham gia lớp học nghề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả. Lớp học chăm sóc trâu, bò khóa 8 mà người dân bản Nà Pán đang theo học là một trong 9 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé triển khai trong năm năm nay.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng bản Nà Pán, xã Mường Nhé thông tin, sau khi có kiến thức từ các lớp học, người dân mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại, mua trâu, bò về chăn nuôi phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay, nhiều hộ thoát nghèo, trở thành hộ khá trong bản. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong bản giảm xuống đáng kể từ 50 hộ xuống còn 18 hộ so với trước đây.

Anh Giàng A Vềnh, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé cho biết, từ năm 2022 đến nay, trung tâm mở khoảng 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.000 người dân tộc trên địa bàn. Các lớp đào tạo tập trung vào ngành nghề thiết thực, gần gũi với người dân như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò, lợn; kỹ thuật và chăm sóc cây mắc ca; kỹ thuật trồng - quản lý dịch hại trên cây lúa, ngô; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; kỹ thuật trồng khai thác rừng… Qua các lớp đào tạo, hơn 70% người dân áp dụng tốt kiến thức được bổ sung về khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn để tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập.

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Mường Nhé chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhất là các vùng biên giới còn gặp khó khăn. Việc đào tạo nghề không chỉ giúp người dân nâng cao kỹ năng mà còn là “chìa khóa” để cải thiện đời sống, phát triển kinh tế địa phương.

Theo ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, trước đây, nhiều người lao động tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí. Đến nay, cơ bản người lao động nhận thức rõ việc tham gia học nghề giúp họ có cách nhìn mới trong sản xuất, đa dạng ngành nghề, tận dụng tài nguyên đất đai và điều kiện sẵn có, thay đổi cách nghĩ, lối làm ăn cũ, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo dạy nghề, huyện Mường Nhé tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động vùng dân tộc thiểu số về tầm quan trọng của học nghề. Điều này không chỉ nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất, các lớp đào tạo nghề còn giúp bà con thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Qua đây, nhằm giúp bà con biết "biến" nông sản thành hàng hóa thay vì sản xuất tự cung, tự cấp như trước kia. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững ở huyện vùng cao cực Tây Tổ quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục