Climate Analytics: Khả năng dư thừa các tàu chở LNG trong tương lai

16:20' - 28/05/2023
BNEWS Theo nghiên cứu mới của Climate Analytics, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) do .các quốc gia giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Theo nghiên cứu mới của Climate Analytics, một tổ chức tư vấn khí hậu tại Đức, xuất phát từ việc các quốc gia giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt được các mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ được đóng trong thập kỷ này.

Điều này có nghĩa là các tàu chở dầu có thể trở thành tài sản bị mắc kẹt, gây tổn thất cho các công ty đóng tàu cũng như chủ tàu hy vọng kiếm tiền từ sự gia tăng năng lực sản xuất LNG mới sẽ đi vào hoạt động trước năm 2030 và sự cạn kiệt khí đốt của châu Âu do xung đột tại Ukraine.

 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Á, "Giải pháp cho khí hậu của chúng ta", nhóm vận động năng lượng và khí hậu của Hàn Quốc cũng tham gia vào nghiên cứu trên, cho biết các công ty đóng tàu ở Hàn Quốc, nơi đóng nhiều tàu LNG, có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dư thừa LNG dự kiến và nhu cầu khí đốt suy yếu.

Tiến sĩ, nhà phân tích khí hậu Victor Maxwell, tác giả của nghiên cứu trên, nhận định: “Để tránh những thiệt hại tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu, thế giới đang hướng tới việc trung hòa carbon cho nền kinh tế toàn cầu, một quá trình chuyển đổi đòi hỏi chúng ta phải giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong 10 đến 20 năm tới.

Số lượng lớn các tàu đóng mới chở LNG mà ngành công nghiệp đóng tàu dự kiến cung cấp trong thập kỷ này sẽ không cần thiết và rất có khả năng trở thành tài sản bị mắc kẹt".

Có khoảng 700 tàu trong đội tàu LNG toàn cầu tính đến cuối năm 2021. Con số này được bổ sung 34 tàu vào năm 2022 và 335 tàu chở LNG khác sẽ được giao trong giai đoạn từ năm 2023 - 2028. 

Các công ty đóng tàu Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries, Samsung Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering đã cung cấp phần lớn năng lực vận chuyển LNG mới cho đến nay. Đáng chú ý, các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 70% đơn đặt hàng toàn cầu cho các hãng vận tải LNG lớn vào năm 2022.

Châu Á vẫn là khách hàng hàng đầu của LNG và thị phần của khu vực trong nhu cầu LNG toàn cầu được dự báo sẽ trên 60% vào năm 2023, với Trung Quốc và Nhật Bản là những bên mua hàng đầu. LNG được sử dụng chủ yếu để sản xuất điện, sưởi ấm và công nghiệp.

Nhưng nhu cầu khí đốt dài hạn ở châu Á còn là dấu hỏi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo triển vọng năng lượng năm 2022 rằng động lực thúc đẩy tăng trưởng khí đốt tự nhiên ở các nền kinh tế đang phát triển đã chậm lại, đặc biệt là ở Nam Á và Đông Nam Á./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục