Có 90% mẫu cá chết trên sông Trà Và bị nhiễm ký sinh trùng

16:20' - 05/07/2019
BNEWS Liên quan đến cá chết ở xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, 6 mẫu cá đem đi xét nghiệm có 90% nhiễm ký sinh trùng (trùng quả dưa).
Cá nuôi lồng bè của các hộ ông Nguyễn Công Cáng, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu bị chết hàng loạt. (ảnh chụp sáng ngày 4/7). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ngày 5/7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, kết quả xét nghiệm mẫu cá chết mà Chi cục đã tiến hành lấy mẫu vào ngày 30/6 tại tiểu khu 2 và 3 trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu cho thấy, 6 mẫu cá đem đi xét nghiệm có 90% nhiễm ký sinh trùng (trùng quả dưa).

Ký sinh trùng này phát sinh trong nước ô nhiễm, khi gặp thời tiết bất lợi sẽ xâm nhập vào mang cá khiến cá bị nhiễm bệnh và chết.

Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do những ngày qua thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nên lượng nước từ nhiều nơi đổ về. Các yếu tố về môi trường có sự biến động như độ trong của nước, lượng oxy hòa tan, độ mặn, nước thủy triều kém không thể vào ra được, ứ đọng lại khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm.

Do vậy, sáng ngày 5/7 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Tp. Hồ Chí Minh) ra khu vực tiểu khu 2, tiểu khu 3 tại sông Chà Và, xã Long Sơn để lấy mẫu cá và mẫu nước đi xét nghiệm sau khi phát hiện cá chết hàng loạt tại khu vực này. Theo đó, đoàn tiến hành lấy 4 mẫu cá trên các loại cá bị bệnh điển hình và 4 mẫu nước để gửi đi xét nghiệm.

Theo khảo sát của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tình trạng cá chết trong 2 ngày qua từ 4-5/7 đã giảm hơn so với các ngày từ 30/6 đến 3/7.

Ngoài ra, khu vực cá bị chết theo đánh giá của Chi cục đang có mật độ nuôi dày, cộng với việc người dân cho cá ăn những loại thức ăn như cá tạp, chưa vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước nuôi bị ô nhiễm.

Tình trạng cá chết thường mỗi năm có khoảng 3 đợt vào các tháng 4 khi thời tiết nắng nóng, tháng 7,8,9 vào mùa mưa và tháng 12.

Trước đó, nhiều người dân nuôi cá phản ánh, cá có hiện tượng bỏ ăn cách đây từ nhiều ngày, biểu hiện nổi đầu, dạt lưới lồng, tuột nhớt, tróc da và bắt đầu chết. Hiện tượng này xảy ra tại các tiểu khu 2 và khu 3. Cá chết nhiều vào các ngày 30/6 và 1/7, sau đó rải rác trên nhiều lồng nuôi.

Chủ yếu là cá bớp, cá chim, cá mú, cá chẽm, kích thước từ khoảng 0,6kg đến 5kg/con, có loại sắp đến kỳ thu hoạch. Có những hộ gia đình gần như 100% số cá trong lồng bị chết.

Nhận được thông tin, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với các đơn vị đã khảo sát và thống kê có khoảng 10 hộ nuôi cá lồng bè thiệt hại từ 70-100%, số lượng cá chết ước tính hơn 73.000 con.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo người dân nên thu gom xác cá chết đưa vào bờ tránh tình trạng vứt ra sông ảnh hưởng đến các khu vực nuôi khác.

Ngoài ra cần sục khí cung cấp ô xi cho cá, vệ sinh lưới lồng và san thưa mật độ nuôi, giảm lượng thức ăn bằng cá tạp thay vào đó sử dụng thức ăn công nghiệp, bổ sung vitamin cho cá./.

Xem thêm:

>>Công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Thạc Gián

>>Hàng tấn cá chết mỗi ngày tại hồ Thạc Gián

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục