Có bao nhiêu lao động tại TP. HCM bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19?

14:12' - 04/01/2022
BNEWS Thông tin từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường lao động của thành phố rất lớn.

Qua khảo sát gián tiếp về nhu cầu sử dụng lao động của hơn 15.600 lượt doanh nghiệp, với tổng số hơn 385.700 lao động đang làm việc thì có hơn 180.800 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm 46,88% tổng số lao động trong doanh nghiệp.

Cụ thể, lao động giãn việc, nghỉ luân phiên từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay là hơn 110.500 người, chiếm 61,15% tổng số lao động bị ảnh hưởng; lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cho thôi việc là hơn 42.300 người, chiếm 23,4%.

Lao động tạm hoãn hợp đồng lao động gần 11.000 người, chiếm 6,06%; lao động tạm nghỉ việc có hưởng một phần lương hơn 10.800 người, chiếm 5,97%; lao động tạm nghỉ việc không hưởng lương là 6.188 người, chiếm 3,42%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong thời gian gần đây, nhất là những tháng cuối năm 2021 có khoảng 6.400 doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động dưới nhiều hình thức khác nhau, chiếm 41%.

Trong đó, doanh nghiệp cho lao động giảm giờ làm việc, nghỉ luân phiên chiếm 54,6%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ một phần tiền lương chiếm 19,74%; cho lao động thôi việc chiếm 14,48%; tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương chiếm 11,18%.

Theo đại diện Trung tâm dự báo nhu cần nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, tác động của dịch bệnh, đại dịch COVID-19 với những biến chủng mới, lây lan nhanh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh tại thành phố cơ bản được kiểm soát đến nay, nhiều doanh nghiệp đã dần khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, thực hiện kế hoạch tuyển dụng, bổ sung nhân sự đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Ngược lại, một số doanh nghiệp vẫn còn hoạt động cầm chừng vì chưa đảm bảo đủ lực lượng lao động trong các khâu sản xuất trực tiếp; mặt khác vì phải thăm dò tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất.

“Do vậy, để tạo sự ổn định và khôi phục hoàn toàn thị trường lao động, cần có thêm thời gian và cần sự đồng lòng chung tay của cả doanh nghiệp, người lao động cũng như của thành phố và các tỉnh, thành phố trên cả nước”, đại diện Trung tâm này chia sẻ.

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng thời, triển khai các biện pháp vừa kiểm soát tốt dịch bệnh vừa phục hồi kinh tế; điều chỉnh định hướng, chiến lược phòng, chống dịch gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội theo hướng kinh tế số, xã hội số, thương mại điện tử…

Để thích ứng với những thay đổi của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm dự báo nhu cần nhân lực và thông tin thị trường lao động cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần tạo nơi làm việc an toàn và lành mạnh với các chính sách làm việc linh hoạt, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút, giữ chân người lao động. Người lao động cũng cần chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Mặt khác, người lao động cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tay nghề và tác phong công nghiệp; trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để thích ứng và hội nhập.

Theo Trung tâm dự báo nhu cần nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu… với sự hỗ trợ của thành phố và những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, người lao động dự kiến thị trường lao động sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2022./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục