Cơ chế chưa đủ mạnh, nạn buôn lậu thuốc lá ngày càng phức tạp

20:18' - 13/11/2018
BNEWS Những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.
Quảng cảnh buổi Tọa đàm “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá-những vấn đề đặt ra”. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Làm thế nào để đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá, tránh gây thất thu ngân sách của Nhà nước và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an ninh xã hội là những vấn đề được các đại biểu bản thảo tại Tọa đàm “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá-những vấn đề đặt ra” do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Hiện nay, lực lượng Hải quan cũng như các ngành chức năng khác chưa có lực lượng chuyên trách về chống buôn lậu thuốc lá, mà chỉ có lực lượng chống buôn lậu ma túy, còn lại lực lượng gộp chung lại có nhiệm vụ phòng chống, ngăn chặn buôn lậu tất cả các mặt hàng.

Theo ông Nguyễn Khánh Quang, những năm gần đây, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn diễn biến phức tạp, chỉ có thể tăng giảm trong từng giai đoạn, chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt.

Không những thế,  buôn lậu thuốc lá diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới gồm đường bộ rất dài từ phía Bắc, phía Tây Bắc giáp Lào, Tây Nam giáp Campuchia và tuyến biển.

Đáng lưu ý, tại tuyến biển giới buôn lậu lộng hành một cách trực tiếp, ai cũng có thể nhìn thấy và chiêu thức tinh vi với việc gửi các lô hàng đi vào các cảng nội địa.

Ngoài ra, tại tuyến hàng không tình trạng buôn lậu cũng diễn ra phức tạp với việc tuồn các loại thuốc lá đắt tiền như xì gà.

Thống kê cho thấy, từ năm 2014 đến 2018, ngành Hải quan đã bắt 1.033 vụ, 153 đối tượng, số lượng thuốc lá gần 3 triệu bao, xử lý hành chính hơn 800 vụ, xử lý hình sự có 1 vụ, số đối tượng xử lý hình sự có 18 đối tượng.

Như vậy là lực lượng hải quan bắt khá nhiều, nhưng việc xử lý hình sự còn ít, trong 4 năm mới xử lý hình sự được 1 vụ.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Hồng Sơn, đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường, (Bộ Công Thương) chia sẻ: Bên cạnh các tuyến biên giới, tình trạng buôn lậu thuốc lá trong thị trường nội địa cũng rất phức tạp.

Đơn cử như các khu vực chợ An Lạc, TP Hồ Chí Minh và các khu vực Hàng Mành, Hà Nội là những điểm nóng của buôn lậu thuốc lá trong thời gian vừa qua.

Cũng theo ông Phạm Hồng Sơn, dù phương thức không mới nhưng các đối tượng vận chuyển lại ngày một liều lĩnh, vận chuyển bằng mô tô, xe máy với tốc độ cao để lực lượng chức năng không thể ngăn chặn được.

Không những thế, các đối tượng còn liều lĩnh tính mạng và sẵn sàng đâm thẳng vào lực lượng chặn bắt ở khu vực biên giới như hải quan hay biên phòng. Các đối tượng còn sẵn sàng dùng công cụ vũ khí thô sơ để chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, một khó khăn cho lực lượng chức năng là công cụ hỗ trợ trong phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá đang rất thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nhấn mạnh: Có thể nói đây là vấn đề nóng, bức xúc hiện nay trước thực trạng buôn lậu thuốc lá đang diễn ra rất tinh vi, liều lĩnh và manh động.

Theo điều tra của tổ chức quốc tế Oxford Economics, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia vùng lãnh thổ châu Á qua qua khảo sát bao gồm Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Australia, Philippines, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Mỗi năm, số lượng thuốc lá lậu qua Việt Nam khoảng 1 tỷ bao, làm thất thoát ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, vấn nạn buôn lậu thuốc lá đã, đang và sẽ có nhiều diễn biến ngày càng phức tạp. Bởi, các cơ chế, chính sách còn sơ hở, chưa đủ mạnh, chưa phù hợp với thực tiễn.

Để đẩy lùi vấn nạn này, ông Phạm Hồng Sơn cho biết, tới đây, Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ kiện toàn và theo hướng ngành dọc nên chỉ đạo sẽ được xuyên suốt hơn so với trước đây.

Theo đó, việc đầu tiên chúng tôi xác định là tuyên truyền pháp luật. Trước đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường dán các pano, áp phích về việc tiêu thụ, vận chuyển và buôn bán thuốc là nhập lậu; tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân ký cam kết không kinh doanh, buôn bán, tàng trữ hàng nhập lập nói chung, trong đó có mặt hàng thuốc lá.

Mặt khác, Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng công an trong quá trình ngăn chặn phương tiện vận chuyển và tiếp tục phối hợp với công an trong công tác khám xét hàng hoá.

Bởi lực lượng quản lý thị trường đôi khi xin giấy phép hay lệnh khám nhà của các đối tượng cất giấu trong nhà thì xin được xong các đối tượng đã tẩu tán vì thuốc lá là mặt hàng dễ tẩu tán.

Riêng khu vực biên giới, Tổng Cục Quản lý thị trường sẽ hợp tác với biên phòng và hải quan trong chống buôn lậu nói chung và chống buôn lậu thuốc lá nói riêng.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua năm 2012, Điều 29 của Luật này quy định về thành lập quỹ, Điều 30 quy định về sử dụng quỹ.

Trong phần sử dụng quỹ không có phần quy định trích thẳng tiền thu từ trên bao thuốc là một cho lực lượng tiêu hủy, khen thưởng và cung cấp thêm trang thiết bị cho lượng lượng chống buôn lậu thuốc lá.

Mặc dù, từ trước năm 2013, Việt Nam đã áp dụng trích 50% quỹ thu được từ thuốc lá cho các lực lượng phòng chống buôn lậu thuốc lá nhưng từ năm 2013 trở đi lại không áp dụng quy định này.

Trong xu thế chung của Việt Nam để hội nhập với kinh tế quốc tế và quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định: Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá cũng đang là vấn đề đặt ra. Thời gian tới khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước cũng hạn chế việc thành lập các quỹ trong các luật.

Đối với luật này chỉ ưu tiên cho tuyên truyền nên Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cân nhắc phương án hỗ trợ cho các lực lượng chức năng, điều này trong luật không cấm và có thể áp dụng linh hoạt và sáng tạo để chung tay phòng chống buôn lậu nói chung và buôn lậu thuốc lá nói riêng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục