Cơ chế một cửa quốc gia tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp

20:10' - 23/07/2018
BNEWS Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính.

Ngày 23/7, Tổng cục Hải quan cho biết sau 4 năm triển khai đã có 53 thủ tục hành chính của 11 Bộ, ngành kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Đến 15 tháng 7 năm 2018, có 1,34 triệu hồ sơ của 22,8 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Doanh nghiệp mở tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Hải quan, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN bước đầu đã mang lại những hiệu quả lớn trong cải cách hành chính.

Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa; xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh lợi ích đối với doanh nghiệp, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho các cơ quan quản lý nhà nước, giúp các cơ quan nhà nước làm quen và dần chuyển đổi sang thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phi giấy tờ và có nhiều kinh nghiệm hơn trong đơn giản hóa, cải cách, hiện đại hóa thủ tục hành chính; giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thỏa thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.

Việc áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia cũng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường tính minh bạch, rõ ràng, giảm sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, khắc phục và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu có thể xảy ra, góp phần phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Công Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, với số lượng 53/251 thủ tục đã triển khai Cơ chế một cửa quốc gia còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Cơ chế này triển khai ở một số bộ ngành còn thấp. Trong 53 thủ tục kết nối thì mức độ áp dụng dịch vụ hành chính của từng thủ tục còn khác nhau. Số lượng đạt dịch vụ công trực tuyến cấp 3,4 (hoàn toàn không giấy tờ) chưa nhiều.

Để thúc đẩy việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, Tổng cục Hải quan dự kiến đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ thực hiện một số giải pháp quan trọng.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc sử dụng, trao đổi chứng từ điện tử, hồ sơ điện tử đối với thủ tục hành chính trong nước và các nước, khối - cộng đồng kinh tế; việc trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan Chính phủ trên nền tảng Cổng thông tin cơ chế một cửa quốc gia.

Xây dựng, triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia theo định hướng xử lý tập trung trên nền tảng Cổng thông tin cơ chế một cửa quốc gia; hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia sẵn sàng về mặt kỹ thuật để thực hiện cơ chế một cửa ASEAN theo lộ trình; đẩy mạnh thuê dịch vụ của bên thứ ba trong cung cấp các tiện ích cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá độc lập từ phía cộng đồng doanh nghiệp đối với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ.

Trước mắt, trong năm 2018, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 – 2020; Quyết định về việc bổ sung nhiệm vụ điều phối hoạt động logistics vào Ủy ban chỉ đạo quốc gia 1899; trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đồng thời, trong năm 2018, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai mới 130 thủ tục hành chính trên Cơ chế một của quốc gia theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ và phấn đấu đạt 143 thủ tục hành chính theo kết quả rà soát và cam kết mới nhất của các bộ, ngành (sẽ đưa vào Kế hoạch hành động của Chính phủ)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục