Cơ chế nào để giám sát hiệu quả hoạt động quản lý thị trường?

15:28' - 21/01/2022
BNEWS Quản lý thị trường khẳng định được uy tín, vị thế của mình thì sẽ khẳng định được uy tín, vị thế của ngành công thương tốt hơn và ngược lại.

Trước bối cảnh năm 2022 và những năm tới sẽ nhiều hiệp định thương mại tự do thực thi nên các hoạt động thương mại, giao thương sẽ diễn ra ngày càng sôi động, phức tạp. Chính vì vậy, tình trạng buôn lậu hàng giả, kém chất lượng sẽ tinh vi hơn, thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn nên quản lý thị trường phải tham mưu để có quy định, chế tài xử lý khi có tổ chức, cá nhân vi phạm. Bởi nêu quản lý thị trường khẳng định được uy tín, vị thế của mình thì sẽ khẳng định được uy tín, vị thế của ngành công thương tốt hơn và ngược lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến sáng 21/1.

*Liên tục đổi mới

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năm 2021 trong điều kiện dịch COVID-19 kéo dài, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp nhưng lực lượng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc chia sẻ thông tin, xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Điển hình như vụ tấn công, triệt phá kho hàng 13.726 cái túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Hermes, Gucci, LV, Dior tại Nam Định; kiểm tra, xử lý 8 kho hàng, cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Hà Nội, Hưng Yên, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng.

Ngoài ra, lực lượng còn tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá trên 17 tỷ đồng tại Bắc Ninh; vụ việc 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng để điều tra…

Thống kê cho thấy, năm 2021 lực lượng đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong cao điểm dịch bệnh.

Ngoài ra, lực lượng cũng ngăn chặn thành công nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển các mặt hàng phòng chống dịch như thuốc chữa COVID-19, khẩu trang, nước sát khuẩn, máy thở oxy… không đảm bảo chất lượng. Đây là những nỗ lực không nhỏ của toàn lực lượng trong điều kiện dịch bệnh kéo dài và buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.

Mặt khác, lực lượng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin qua việc 100% máy tính của các đơn vị kết nối Internet đường truyền tốc độ cao; 100% cơ quan thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý văn bản đi, văn bản đến trên phần mềm eDMS và kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia… Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS sẽ làm thay đổi trong kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mở chuyên ngành đào tạo đầu tiên về lĩnh vực quản lý thị trường cho 50 sinh viên; thành lập Tạp chí Quản lý thị trường bản in và bản điện tử; khai trương Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội…

Tại hội nghị, đại diện thành viên Ban chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và các Cục Quản lý thị trường tại địa phương: Lạng Sơn, Thanh Hoá, Gia Lai, Tiền Giang, Khánh Hoà… đã tham luận về một số tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi công vụ tại các địa phương. Từ đó, thảo luận về nguyên nhân, hướng khắc phục trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, mặc dù năm 2021 với đợt giãn cách dài ngày tại các địa phương, hạn chế tác nghiệp, nghiệp vụ, song lực lượng quản lý thị trường vẫn nỗ lực đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và kiểm tra, kiểm soát thị trường và là một trong những lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, cần loại khỏi biên chế những đối tượng coi nhờn pháp luật. Bởi muốn thay đổi hình ảnh của lực lượng không được phép xảy ra các vi phạm trên. Điều này, lực lượng cần có những buổi sinh hoạt chính trị từ cơ quan Tổng cục đến Cục địa phương, đẩy mạnh đoàn kết nội bộ...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường cần chủ động hơn trong quy hoạch, bổ nhiệm tổ chức, cán bộ; tiếp tục cụ thể hóa bằng các quy chế phối hợp với các lực lượng như Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, công an, kể cả cảnh sát giao thông để tác nghiệp dễ dàng hơn.

Đặc biệt, năm 2022 kỷ niệm 65 năm thành lập lực lượng quản lý thị trường đòi hỏi lực lượng cần có sự tích cực thực sự, để xứng đáng lực lượng chủ công và kỳ vọng của Bộ Công Thương.

*Xốc lại kỷ cương

Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tích mà lực lượng quản lý thị trường đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế như việc quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ về nghiệp vụ, tư tưởng, phẩm chất và đạo đức công vụ cho cán bộ công chức và người lao động chưa đạt yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả chưa cao; nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng phức tạp nhưng chưa được giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã giao 5 nhiệm vụ đối với lực lượng  trong năm 2022 là: phổ biến, quán triệt thật sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nắm bắt thực tiễn tình hình, rà soát các quy định hiện có để tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định để bảo đảm việc quản lý thị trường thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Trước mắt, theo Bộ trưởng cần tập trung tổng kết 5 năm thi hành pháp lệnh quản lý thị trường; đánh giá kết quả hoạt động sau 5 năm thực hiện mô hình Tổng cục Quản lý thị trường để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có những chủ trương, chính sách phù hợp.

Mặt khác, chú trọng giáo dục về đạo đức và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đạo đức cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của cán bộ, nhất là đội ngũ trực tiếp xử lý nghiệp vụ và tiếp xúc thường xuyên với người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, lực lượng cần xốc lại kỷ cương, nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng, đặc biệt xử lý nghiêm các sai phạm để răn đe và việc xử lý sai phạm không có vùng cấm.

Đồng thời, phát huy vai trò người đứng đầu đơn vị trong thực thi công vụ cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ của toàn lực lượng.

Hơn nữa, lực lượng cần phối hợp thật tốt với các lực lượng khác đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra niêm yết giá, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong thời gian lễ, tết, dịch bệnh…

Bộ trưởng cũng lưu ý việc thông tin, truyền thông nhằm tăng cường cơ chế giám sát, tiếp nhận phản biện xã hội đối với hoạt động của ngành… để tiếp tục hoàn thiện và hoàn thiện hơn chức năng nhiệm vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục