Cơ hội cho doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường Halal

17:27' - 27/05/2024
BNEWS Thị trường Hồi giáo là một trong những thị trường lớn nhất và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu.

Đặc biệt, nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng lên do nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal. Tuy nhiên, để tiếp cận và thành công trên thị trường này, doanh nghiệp cần hiểu rõ tiêu chuẩn và quy định của người Hồi giáo, nhất là tiêu chuẩn Halal.

 

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, thị trường hàng hóa Halal đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Theo báo cáo của Pew Research Center, số người Hồi giáo trên thế giới dự kiến sẽ tăng lên 2,2 tỷ vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường Hồi giáo sẽ có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Halal ngày càng cao.

Bên cạnh đó, các nước có dân số Hồi giáo lớn như Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Malaysia đang trở thành những thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal. Ngoài ra, các nước châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang dần mở rộng thị trường Halal tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm này.

Theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực; trong đó, có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

Tuy nhiên, dù là thị trường tiềm năng nhưng sản phẩm Halal luôn đi kèm những quy định nghiêm ngặt vừa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn, vừa đúng theo kinh Koran và luật Sharia nên việc xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia Hồi giáo có nhiều rào cản. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tiếp cận thị trường Halal của doanh nghiệp mới dừng ở mức sơ khai.

Ông Nguyễn Tuấn - Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới có quy mô rất lớn khi phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2027. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo.

Thế nhưng, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của doanh nghiệp Việt vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm.

Chia sẻ về thị trường Halal, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho hay: Đến nay vẫn còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác, khi trên 87% dân số của đất nước này theo đạo Hồi. Tuy nhiên, ngoài tâm lý e ngại, chưa chủ động làm theo yêu cầu của khách hàng là khó khăn trong chứng nhận bởi có nhiều loại chứng nhận riêng biệt, tốn chi phí; thiếu nguồn nhân sự và thiếu nguyên liệu Halal; chưa hiểu rõ về tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận Halal.

Theo ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện tại phục vụ khoảng hơn 2 tỷ người. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người.

Hơn nữa, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal do sản phẩm này đáp ứng tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Đặc biệt, nhiều siêu thị và đại siêu thị đang cho lên kệ hàng sản phẩm Halal để thu hút người Hồi giáo nhưng xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Cũng theo ông Trần Văn Tân Cương, Việt Nam nằm ở một vị trí rất thuận lợi, nguyên liệu phong phú và giá rẻ. Số doanh nghiệp Việt muốn tham gia khai thác thị trường Halal đang tăng nhanh. Đặc biệt, phát triển công nghiệp Halal giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội để phát triển sang các thị trường, dịch vụ khác như hoạt động du lịch Halal, Halal Airlines, nhà hàng Halal và khách sạn Halal, logictics Halal...

Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal là không có một tiêu chuẩn Halal duy nhất được công nhận trên toàn thế giới; không có phân loại thích hợp của từng sản phẩm Halal theo mã hải quan và khi truy xuất hay tìm kiếm dữ liệu nên quá trình xuất khẩu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết Chính phủ các nước Hồi giáo xuất khẩu luôn yêu cầu có Giấy chứng nhận Halal về sản phẩm như một yêu cầu bắt buộc.

Là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế, ông Nguyễn Văn Cảm, Công ty CPV Food Bình Phước bày tỏ: Thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. Hiện nay, CPV Food đã bán sản phẩm thịt gà Halal cho nhà hàng khách sạn và khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam.

Khi đạt được chứng nhận Halal đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng nghĩa không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.

Đại diện một số hợp tác xã chia sẻ, qua tìm hiểu cho thấy sản phẩm có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của hợp tác xã hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này. Chẳng hạn như với thị trường Malaysia, chủ yếu mới chỉ có gạo, ớt nhưng vẫn còn xuất thô và qua một số đầu mối của Thái Lan nên giá trị không cao.

Ngoài ra có thanh long, cà rốt, khoai lang, hạt điều nhưng xuất khẩu thô, còn những quả có múi vốn là lợi thế của Việt Nam lại chưa thâm nhập được.

Đây cũng là nguyên nhân khiến khoảng 41% địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Halal truyền thống tại Đông Nam Á, Nam Á và Trung Đông, Bắc Phi chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu.

Chia sẻ từ một số doanh nghiệp đã chinh phục thành công thị trường Halal, doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn Halal, đồng thời duy trì sự đảm bảo tinh khiết của sản phẩm theo yêu cầu của các quốc gia Hồi giáo. Để thuận lợi khi chinh phục thị trường Halal, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến, xin tư vấn từ chuyên gia tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn về Halal của Việt Nam.

Điều này giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ yêu cầu khắt khe của Halal theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, đa số doanh nghiệp đề xuất Chính phủ và địa phương cần tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal tại Việt Nam; chú trọng phát triển ngành công nghiệp Halal và tích cực khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng.

Nhìn nhận về vấn đề này, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) khẳng định: Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được chứng nhận Halal. Dù vậy, Việt Nam tham gia thị trường Halal mới ở giai đoạn đầu, vẫn chưa thực sự chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực Halal, năng lực xuất khẩu sản phẩm Halal Việt Nam còn thấp.

Không những thế, Halal là khái niệm còn ít được biết đến, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal có xu hướng ngày càng khắt khe hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Hơn nữa, xuất khẩu sản phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực.

Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế phát triển ngành hàng Halal tại Việt Nam; đàm phán, ký kết các hiệp định, thỏa thuận thương mại. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam làm việc, tìm hiểu với các cơ quan, hệ thống phân phối của Indonesia, Malaysia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)...

Đặc biệt, nhằm xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy việc phân phối sản phẩm của Việt Nam có chứng nhận Halal để vừa đáp ứng nhu cầu của nhà xuất khẩu, vừa mở rộng sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, xây dựng hệ thống và đăng ký chứng nhận Halal cho thị trường phù hợp định hướng phát triển. Bên cạnh đó, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal cho thị trường đích; quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, tăng cường kết nối giao thương.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục