Cơ hội cho quản lý rừng tự nhiên bền vững

18:15' - 07/08/2017
BNEWS Ngày 7/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, LHQ và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn về các cơ hội cho quản lý rừng tự nhiên bền vững.
Xác định cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cây trồng rừng. Ảnh minh họa: TTXVN.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã cố gắng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao độ che phủ rừng. Vì vậy, độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng và đạt 41,19% (năm 2016).

Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển kinh tế cùng những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng mà vẫn còn nhiều diện tích rừng tự nhiên giàu trữ lượng bị khai thác thiếu bền vững hoặc chuyển đổi sang mục đích khác. Những điều này làm cho chất lượng rừng tự nhiên bị suy giảm, diện tích rừng tự nhiên bị mất đi.

Việt Nam hiện có trên 10 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm 71% diện tích rừng Việt Nam nhưng diện tích rừng tự nhiên chủ yếu là rừng mới phục hồi, rừng nghèo, rừng giàu còn lại rất ít.

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc thúc đẩy và thu hút đầu tư trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận và bền vững dựa trên các sản phẩm và dịch vụ từ rừng tự nhiên, trong đó là làm rõ và đảm bảo các cách thức doanh nghiệp có thể thu được lợi ích nhờ quản lý bền vững rừng tự nhiên.

Chương trình mục tiêu quốc gia về lâm nghiệp bền vững dự kiến sẽ phải huy động nguồn lực xã hội hóa cho hơn 70% tổng nhu cầu tài chính. Tuy nhiên, chiến lược huy động đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân chưa được thiết kế một cách có hệ thống, toàn diện và cụ thể, đặc biệt để thu hút đầu tư bền vững vào rừng tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xây dựng các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh bền vững và tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế trong phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên còn thiếu hệ thống, kém hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, nhằm phục hồi và phát triển rừng tự nhiên bền vững, Việt Nam đã thực hiện chủ trương dừng khai thác rừng tự nhiên. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước đi đúng hướng, song vẫn chưa đủ hiệu quả để thúc đẩy giá trị kinh tế của rừng tự nhiên.

Ông Nguyễn Văn Hà cho rằng, rừng tự nhiên không chỉ cung cấp gỗ mà còn cung cấp nhiều loại lâm sản có giá trị ngoài gỗ như cây dược liêu, mây, tre… Nếu bảo vệ rừng tự nhiên hợp lý thì đây là nguồn lợi lớn, bên cạnh đó rừng tự nhiên còn gắn với cảnh quan, đa dạng sinh học, là tiềm năng lớn thu hút du lịch, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam.

Do đó, cần xây dựng cơ chế chính sách để phát huy hết tiềm năng của rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên và phát huy các giá trị về môi trường.

Theo các chuyên gia, rừng tự nhiên có thể giao hoặc khoán lại cho một số dịch vụ du lịch sinh thái hoặc thực nghiệm môt số mô hình ngoài gỗ, song vẫn có nhiều thách thức về ổn định tài chính và lợi tức trong dài hạn. Thách thức chủ yếu là biến các cơ hội, định hướng, chính sách và giải pháp thành hành động nhất quán và có hệ thống./.

>>> Tiết kiệm hơn 200 tỷ đồng kinh phí thực hiện điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục