Phải làm gì để phát triển lâm nghiệp bền vững?

14:29' - 20/07/2017
BNEWS Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành lâm nghiệp phải đảm bảo 3 mục tiêu để phát triển lâm nghiệp bền vững.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Đảm bảo 3 mục tiêu để phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Tổng kết 4 năm thực hiện dự án tổng điều tra kiểm kê rừng toàn quốc (2013-2016), 60 tỉnh thành đã kiểm kê trên 7,1 triệu lô rừng, hoàn thành 100% diện tích rừng, đất lâm nghiệp toàn quốc.

Theo đó, dự án đã xây dựng hệ thống biểu số liệu theo các cấp hành chính; hoàn thành trên 9.000 bản đồ kiểm kê rừng các cấp. Toàn bộ các chủ rừng và cấp hành chính xã, huyện, tỉnh được lập hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp với trên 1,1 triệu hồ sơ.

Toàn bộ lô kiểm kê rừng, các bản đồ, biểu tổng hợp kết quả kiểm kê rừng, hồ sơ quản lý rừng theo chủ quản lý, hồ sơ quản lý rừng theo đơn vị hành chính được cập nhật và lưu trữ trên phần mềm "Quản lý cơ sở dữ liệu điều tra, kiểm kê rừng" phục vụ cho việc: tra cứu, theo dõi, quản lý và cập nhật diễn biến rừng hàng năm.

Cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng (gồm bản đồ, số liệu chi tiết đến từng lô rừng gắn với từng chủ rừng) của 60 tỉnh, thành đã được tích hợp trên cổng hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp phục vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu.

Kết quả cũng cho thấy, hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016 là cả nước có 14.377.682 ha rừng, độ che phủ toàn quốc 41,19%, trữ lượng rừng gỗ của cả nước trên 1,1 tỷ m3.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, giai đoạn từ năm 2011-2016, diện tích rừng tăng trên 989.600 ha, bình quân 160.000 ha/năm, trong đó diện tích rừng tự nhiên giảm trên 62.675 ha; diện tích rừng trồng tăng trên 1 triệu ha; độ che phủ rừng tăng 1,69%, bình quân 0,28%/năm.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, diện tích rừng tự nhiên giảm chủ yếu do chuyển diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp, cao su (45%); chuyển đổi mục đích sang mục đích ngoài lâm nghiệp (thủy điện, giao thông, công trình công cộng, sản xuất) của địa phương (40%). Còn lại do phá rừng và lấn chiếm đất rừng, cháy rừng...

Triển khai Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 886) theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình đặt mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6,0%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 8 - 8,5 tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục