Cơ hội cho Việt Nam khi Anh gia nhập CPTPP

08:55' - 02/01/2025
BNEWS Anh trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tổng GDP vào khoảng 12.000 tỷ bảng (15.600 tỷ USD).
Vương quốc Anh chính thức trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi nước này tìm cách tăng cường quan hệ tại khu vực và xây dựng các liên kết thương mại toàn cầu sau khi rời Liên minh châu Âu (Brexit).

 
CPTPP là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Anh sau Brexit, giúp kết nối nước này với một trong những khu vực năng động nhất thế giới. Anh trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tổng GDP vào khoảng 12.000 tỷ bảng (15.600 tỷ USD), chiếm gần 15% GDP toàn cầu theo số liệu năm 2023. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại 2 tỷ bảng (2,6 tỷ USD) mỗi năm cho nền kinh tế Anh, chiếm 0,08% GDP nước này.

Giờ đây Anh có thể áp dụng các quy tắc thương mại của hiệp định và hưởng mức giảm thuế quan với các thành viên CPTPP, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, với 99% hàng xuất khẩu của Anh sang các nước thành viên được hưởng thuế suất 0%. Gia nhập CPTPP cũng giúp giảm giá hàng tiêu dùng trong nước khi thuế quan hàng nhập khẩu được xóa bỏ, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân Anh bán sản phẩm ra nước ngoài.

Bộ trưởng Thương mại và Kinh doanh Anh, Jonathan Reynolds, cho biết CPTPP thúc đẩy thương mại và tạo cơ hội cho các công ty Anh ở nước ngoài, giúp hỗ trợ việc làm và thúc đẩy đầu tư trên cả nước. Bộ trưởng chỉ ra rằng các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống, ô tô và dịch vụ tài chính sẽ hưởng lợi từ hiệp định.

Quy tắc xuất xứ của CPTPP cho phép hàng hóa đủ điều kiện hưởng thuế thấp khi được chế tạo từ các bộ phận sản xuất tại một quốc gia CPTPP sau đó xuất khẩu sang một thành viên khác, giúp các nhà xuất khẩu ô tô Anh cắt giảm chi phí đáng kể.

CPTPP cũng giúp các công ty dịch vụ dễ dàng hoạt động ở Thái Bình Dương khi được phép quản lý quỹ trên toàn thế giới từ Anh và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho các thị trường CPTPP.

Giám đốc điều hành HSBC Anh, Ian Stuart, cho biết kể từ tháng 7/2023 khi Anh công bố gia nhập hiệp định, thanh toán giữa các thị trường CPTPP và Anh đã tăng và kỳ vọng mức tăng này sẽ tiếp tục.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Chivas Brothers, Jean-Etienne Gourgues, cho biết trong bối cảnh gia tăng rào cản thương mại trên toàn cầu, gia nhập CPTPP sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường tại các khu vực năng động như Đông Nam Á và Mỹ Latinh trong khối thương mại chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu rượu whisky Scotland, giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng năm trị giá 1 tỷ bảng.

Là thành viên CPTPP, Việt Nam được Anh đánh giá là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Anh có thể khai thác.

Bộ trưởng phụ trách xứ Wales, Jo Stevens, cho biết với CPTPP, các doanh nghiệp xứ Wales sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn với các nền kinh tế lớn ở khu vực, trong đó có Australia, Canada và Việt Nam. Lãnh đạo đảng Bảo thủ Kemi Badenoch, cựu Bộ trưởng Thương mại Anh, cũng cho rằng CPTPP giúp các nhà xuất khẩu Anh khám phá những cơ hội mới với các nền kinh tế đang phát triển nhanh như Malaysia và Việt Nam.

Nghị sĩ Mark Hendrick, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ liên đảng quan tâm tới Việt Nam (APPG), cho biết Anh cam kết thúc đẩy hợp tác kinh tế với khu vực Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam là một đối tác quan trọng. Ông khẳng định Anh sẵn sàng mở cửa kinh doanh với các thị trường tăng trưởng hấp dẫn như Việt Nam, trong đó hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, dệt may, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và công nghệ.

Bà Hoàng Lê Hằng, Bí thư thứ nhất, Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết việc Anh trở thành thành viên của khối mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh, một trong những đối tác thương mại quan trọng.

Theo bà Hoàng Lê Hằng, khi gia nhập CPTPP, Anh cam kết mở cửa thị trường cho Việt Nam ở mức cao hơn so với các nước thành viên khác và so với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) với việc xóa bỏ 94,4% dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực (so với 93,9% đối với các thành viên viên khác), trong đó hạn ngạch thuế quan đối với  gạo Việt Nam tăng từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên lên 17.500 tấn từ năm 2030, cao gần gấp đôi hạn ngạch Anh cam kết cho các thành viên CPTPP khác. Một số sản phẩm khác như cá ngừ, mật ong cũng được hưởng ưu đãi thuế quan, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu những sản phẩm này sang Anh.

Đặc biệt, Anh cũng xác nhận các ngành hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho Việt Nam trong điều tra về phòng vệ thương mại, đặc biệt là chống bán phá giá, giúp hàng Việt Nam không bị phân biệt đối xử và chịu mức thuế chống phá giá cao

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng khi Anh và các quốc gia có nền kinh tế phát triển gia nhập CPTPP, Việt Nam hưởng lợi từ các tiêu chuẩn cao về thương mại tự do và hợp tác kinh tế, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu trọng điểm, cũng như thúc đẩy khả năng sản xuất và nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Việc gia nhập CPTPP cũng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực tại Anh bởi người tiêu dùng và các nhà phân phối sở tại sẽ quan tâm hơn tới sản phẩm của các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam.

Bà Hoàng Lê Hằng nhận định, với tầm quan trọng địa chính trị ngày càng tăng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Anh sẽ quan tâm thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, một thành viên CPTTP. Là một trong những thị trường tài chính lớn và phát triển nhất thế giới quy tụ số lượng lớn các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các tổ chức tài chính khác, Anh có tiềm năng cung cấp nhiều cơ hội đầu tư, đặc biệt về công nghệ, tài chính, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng hướng tới phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, gia nhập CPTPP, Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các thành viên khác, trong đó một số nước có các sản phẩm cùng loại với sản phẩm Việt Nam, vì vậy gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường Anh đối với sản phẩm Việt Nam.

Bà Hoàng Lê Hằng khuyến cáo, việc các thành viên CPTPP phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, bảo vệ môi trường và quản lý doanh nghiệp đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn ổn định và tổ chức tốt chuỗi cung ứng từ sản xuất đến lưu thông phân phối, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP và xu thế toàn cầu về thương mại xanh và công bằng để duy trì sức cạnh tranh.

Bà Hoàng Lê Hằng cho rằng mặc dù Anh gia nhập CPTPP mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam để mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, Việt Nam cần chuẩn bị đối phó với các thách thức về cạnh tranh, yêu cầu tiêu chuẩn cao và cải cách các ngành thương mại, dịch vụ. Bà tin rằng nếu có chiến lược hợp lý và thực hiện cải cách triệt để, Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội này để phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục