Cơ hội cho xuất khẩu rau quả phá kỷ lục

11:56' - 04/04/2024
BNEWS Dừa tươi và sầu riêng đông lạnh Việt Nam đã sẵn sàng chờ cơ hội để sang Trung Quốc. Nhiều tiền đề còn cho thấy, xuất khẩu rau quả còn tiếp tục bứt phá và sẽ phá vỡ kỷ lục năm 2023.

Lần đầu tiên ngay trong quý I, xuất khẩu rau quả đã vượt 1 tỷ USD và đạt 1,23 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tiền đề còn cho thấy, xuất khẩu rau quả còn tiếp tục bứt phá và sẽ phá vỡ kỷ lục năm 2023.

Nhìn về kết quả trên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là sầu riêng. Mặt hàng này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi Tây Nguyên – khu vực cung ứng sản lượng sầu riêng lớn lại nghịch vụ với Thái Lan vào vụ thu hoạch còn đang ở phía trước.

Đặc biệt mới đây, Cục Bảo vệ thực vật vừa yêu cầu các địa phương, cơ quan chuyên môn địa phương rà soát, tổng hợp vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất sang Trung Quốc. Điều này đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi và sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện phục vụ đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi Nghị định thư được ký kết.

“Nếu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được mở cửa sang Trung Quốc sớm thì xuất khẩu rau quả sẽ tiếp tục có sự bứt phá mạnh. Như Trung Quốc công bố, năm 2023, thị trường này đã nhập khẩu 1,1 tỷ sầu riêng đông lạnh và chủ yếu từ Thái Lan. Malaysia”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam chia sẻ.

Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán, nếu mở cửa được 2 mặt hàng này thì mỗi mặt hàng chỉ cần đem về khoảng 300 triệu USD. Như vậy, cùng với sự tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm thì xuất khẩu rau quả sẽ vượt 6 tỷ USD trong năm 2024 trong tầm tay.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đã sẵn sàng chờ đón nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Xuất khẩu dừa sẽ đón làn sóng mới về đầu tư phát triển ngành hàng cũng sự tăng trưởng.

Tuy nhiên, để xuất khẩu dừa tươi có những bước đi chắc chắn, ông Cao Bá Đăng Khoa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp, cùng với đó việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần làm bài bản để đảm bảo uy tín của ngành hàng.

Qua cảnh báo của Trung Quốc mới đây về sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, người dân, doanh nghiệp còn chủ quan, vẫn chỉ nghĩ là Trung Quốc chỉ kiểm tra về các loại dịch hại bên ngoài sản phẩm. Qua đây cũng cảnh tỉnh người dân, doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến đối tượng dịch hại mà phải quan tâm cả các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm.

Măng cụt tại vùng trồng trái cây huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyên khuyến cáo, nông dân cần chú ý trồng theo VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bởi sản xuất theo VietGap khi có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón thì được đảm bảo về cách ly. Khi sản phẩm thu hái sẽ an toàn.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam cho biết, từ đầu năm doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu rau quả. Hiện doanh nghiệp đang tập trung cho xuất khẩu các sản phẩm như cà rốt, sầu riêng, dừa tươi… và nhiều sản phẩm rau củ sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Cả 2 thị trường trọng điểm của doanh nghiệp đều đang có sự tăng trưởng khá tốt. Mùa nào, rau quả đó, các sản phẩm được doanh nghiệp đẩy mạnh chào tới các khách hàng từ sản phẩm tươi đến chế biến sâu.

“Từ đầu năm, doanh nghiệp đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang làm việc, ký kết các hợp đồng các sản phẩm rau quả chế biến sâu, như chuối tẩm phủ các vị socola, matcha, vali…”, ông Nguyễn Khắc Tiến chia sẻ.

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Khắc Tiến cho biết, hiện doanh nghiệp cũng đang cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện hồ sơ doanh nghiệp chuẩn bị đón “sóng” xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dừa tươi khi thị trường chính thức mở cửa.

Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng đã sẵn sàng. Song doanh nghiệp nhận thấy phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm thì mới đưa sản phẩm cho đối tác. Xác định sang thị trường nào thì chắc thị trường đó, nên khi đưa sản phẩm sang thị trường mới doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng và đảm bảo chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Khắc Tiến cho hay.

Vẫn đang xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc nhưng để chuẩn bị cho sầu riêng đông lạnh sang thị trường này, bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Tập đoàn Vĩnh Khang cho biết, tuy chưa đầu tư được kho lạnh, song doanh nghiệp đã đi thuê và sẵn sàng chờ đón cơ hội để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường này.

Tham gia xuất khẩu sầu riêng từ khi có nghị định thư, bà Đoàn Thùy Giang đánh giá, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu sầu riêng rất lớn. Chất lượng sầu riêng Việt Nam cũng không kém sầu riêng Thái Lan. Do đó, doanh nghiệp Trung Quốc thường quan tâm sầu riêng Việt Nam nhờ giá cạnh tranh hơn. Cũng có rất nhiều khách hàng hỏi nhập khẩu sâu riêng, song doanh nghiệp chỉ chọn 2,3 đối tác để tập trung vào sản lượng và chất lượng cho khách hàng tốt nhất.

Theo bà Đoàn Thùy Giang, có thể chia sầu riêng thành 3 vụ chính là vụ ở miền Tây, Bình Phước và Tây Nguyên. Hiện miền Tây đang vào cuối vụ, sắp tới sẽ đến Bình Phước rồi Tây Nguyên. Doanh nghiệp gần như xuất khẩu sầu riêng quanh năm.

Cũng từ những cảnh báo về sầu riêng nói riêng, rau quả nói chung trong xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói, nhằm kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu ngay từ khâu đầu vào, canh tác. Qua đó, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp các trường hợp vi phạm, gian lận trong sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Cơ quan chức năng địa phương phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật xác minh nguyên nhân và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật.

Cùng với đó là tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp cùng hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Phát triển chuỗi giá trị nông sản; liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu vực sơ chế, chế biến, bảo quản, các kho lạnh quy mô lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục