Xúc tiến xuất khẩu rau quả Việt Nam tại Hội chợ Fruit Logistica 2024

09:02' - 08/02/2024
BNEWS Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã tổ chức cho 7 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm trái cây, rau quả lớn nhất thế giới Fruit Logistica 2024.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2024 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương chủ trì, Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) đã tổ chức cho 7 doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ triển lãm trái cây, rau quả lớn nhất thế giới Fruit Logistica 2024, tại Trung tâm triển lãm Messe Berlin, Đức, từ ngày 7-9/2/2024.

 

Đây là năm thứ 4 các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả Việt Nam tham gia Fruit Logistica, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc như Công ty Thanh Long Hoàng Hậu, Công ty MTV ANTFARM, Công ty Xuất nhập khẩu Golden Bee, Viet Tropical Fruit, Công ty Phước Hỷ, Công ty Thương mại Dịch vụ Trái cây Thiên nhiên…

Vào ngày đầu tiên của Hội chợ, Vinafruit đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức chương trình kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam tại khu gian hàng Việt.

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU, cho biết: “Thị trường châu Âu hàng năm có nhu cầu nhập tới 300 tỷ USD nông sản trên toàn thế giới và riêng nhóm hàng rau quả là khoảng 60 tỷ, như vậy là tiềm năng rất lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một chương trình hành động thúc đẩy xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Âu cũng như tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp làm sao để bà con nông dân sản xuất theo hướng đạt được các chứng chỉ quốc tế, đạt chuẩn châu Âu để thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy mở rộng thị trường để hàng hoá của Việt Nam thâm nhập sâu và rộng vào thị trường châu Âu”.

Về kỳ vọng khi tham gia Hội chợ năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký VinaFruit chia sẻ: “Chúng tôi tham gia Fruit Logistica thứ nhất là để quảng bá hình ảnh các mặt hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường châu Âu 500 triệu dân với thu nhập cao, để khẳng định rằng rau quả Việt Nam luôn hiện diện tại thị trường này.

Thứ hai, chúng tôi tìm kiếm thêm khách hàng mới mà lâu nay chưa có dịp tiếp xúc với hàng rau quả Việt Nam hoặc tiếp xúc chưa nhiều thì đây là cơ hội gặp gỡ, kết nối, mở rộng thị phần và thị trường”.

Chia sẻ về nhu cầu thị trường châu Âu, ông Trương Chiêu Đức, Tổng giám đốc Công ty nhập khẩu thực phẩm Á châu Asropa Food GmbH và chuỗi siêu thị Vĩnh Lợi Asien Supermarkt cho biết, Asropa thường nhập dừa tươi và thanh long Việt Nam qua đường tàu biển và một số loại trái cây khác qua đường hàng không, phân phối trên toàn nước Đức và 18 nước EU khác.

Ông Đức cho biết chất lượng và cách chế biến rau quả của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được cải tiến và rất nhanh bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Mặt hàng dừa tươi trước đây do Thái Lan thống trị thị trường nhưng đến nay, sản phẩm dừa của Việt Nam đã dần thay thế.

Ông cho hay Asropa đang tìm kiếm các mặt hàng có thể đi đường tàu biển thay vì đi đường hàng không để có thể nhập số lượng lớn và giảm giá thành. Năm nay, Asropa có kế hoạch nhập khẩu thêm các sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như quả thanh long, bưởi da xanh – hai sản phẩm bán rất chạy và được người tiêu dùng ưa thích.

Theo ông Nguyễn Hồ Nam – Đại diện Công ty Selgros Cash & Carry, người tiêu dùng Đức đã biết một số mặt hàng trái cây Việt Nam qua các nhà hàng Việt Nam ở Đức, tuy nhiên nếu có các giải pháp giúp giảm giá bán các mặt hàng này tại Đức thì có thể tiếp cận được nhiều tầng lớp người tiêu dùng Đức hơn nữa.

Tại Fruit Logistica năm nay, Thương vụ Việt Nam tại Đức đã cung cấp thêm cho các doanh nghiệp về một số lưu ý khi xuất khẩu trái cây vào thị trường Đức, đặc biệt là những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

Cụ thể, mới đây EU thông báo đưa 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường này, trong đó lần đầu tiên sầu riêng nằm trong danh sách các mặt hàng bị giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10%.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu vừa ban hành Quy định mới số 2024/331 áp dụng mức dư lượng oxamyl tối đa trên các loại nông sản ở mức rất thấp là 0,001 mg/kg. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các ngưỡng kiểm soát của EU để không bị vi phạm.

Tham tán Nông nghiệp Trần Văn Công khuyến cáo: “Thị trường châu Âu không áp dụng quy định bắt buộc về mã vùng trồng hay mã đóng gói, mã của các nhà máy chiếu xạ mà chỉ đưa ra yêu cầu bắt buộc đối với những sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào châu Âu, và chủ yếu mang tính hậu kiểm, nên các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý tập trung vào khâu kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Từ khâu sản xuất cũng phải làm sao đạt chuẩn châu Âu và chứng chỉ quốc tế. Trước khi xuất khẩu, các doanh nghiệp tập trung kiểm nghiệm để tránh việc hàng sang đến đây bị phát hiện và phải tiêu huỷ hoặc trả về”.

Trong năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Đức đạt trên 36 triệu USD, tăng 45,6% so với năm 2022.

Fruit Logistica là hội chợ thương mại quan trọng nhất thế giới dành cho ngành rau quả tươi, nhằm tăng khả năng tiếp cận trực tiếp của doanh nghiệp với thị trường toàn cầu. Fruit Logistica 2024 với chủ đề “Nhịp đập” trưng bày các sản phẩm rau củ, trái cây tươi, sản phẩm hữu cơ và các giải pháp đổi mới về thiết bị và máy móc chế biến nông sản.

Fruit Logistica mang tới đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp kỹ thuật từ mọi công đoạn của chuỗi giá trị - từ phát triển hạt giống, trồng trọt, chế biến đến đóng gói và dịch vụ kho vận.

Hội chợ năm nay thu hút 2.770 doanh nghiệp tham gia triển lãm hàng hoá, từ 94 quốc gia trên khắp thế giới, tăng so với 2.610 doanh nghiệp triển lãm năm 2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục